Đồng Nai: Gần 100 công nhân nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh đa cua

NDO - Tối 15/5, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) Lê Tuấn Anh xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc sau khi ăn bánh đa cua tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dechang Việt Nam, Khu công nghiệp Giang Điền, khiến gần 100 công nhân nhập viện.
0:00 / 0:00
0:00
Các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom tập trung điều trị các công nhân nhập viện nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh đa cua.
Các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom tập trung điều trị các công nhân nhập viện nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh đa cua.

Theo thông tin ban đầu, chiều cùng ngày, sau khi khoảng 500 công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dechang Việt Nam ăn món bánh đa cua thì gần 100 người có các biểu hiện nôn nói, đau bụng được đưa đến bệnh viện.

Tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom các y, bác sĩ đã tập trung điều trị, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp để làm rõ nguyên nhân. Bước đầu, nghi tất cả các trường hợp trên bị ngộ độc thực phẩm.

Trả lời phóng viên Báo Nhân Dân vào lúc 21 giờ cùng ngày, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện tập trung nhân lực, thiết bị điều trị cho các trường hợp trên. Trong số gần 100 công nhân nhập viện có một công nhân bị nặng phải thở máy, còn lại đều nhẹ.

Trong tối cùng ngày, lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Trảng Bom đã có mặt tại Trung tâm Y tế huyện để chỉ đạo công tác cứu chữa cho các trường hợp và động viên các công nhân.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dechang Việt Nam có khoảng 1.200 công nhân, chuyên sản xuất đồ điện dân dụng.

Trước đó, đầu tháng 5, tại thành phố Long Khánh xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì khiến 500 người phải nhập viện điều trị. Đến thời điểm này, còn một bệnh nhi 7 tuổi đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc và nghi ngộ độc tập thể tại Đồng Nai cũng đặt ra vấn đề quản lý nhà nước về thực phẩm và trách nhiệm của ngành y tế địa phương trong việc kiểm soát vấn đề trên.