Tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất

NDO - Trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, khoảng 6.100 hoạt động truyền thông đã được tổ chức, thu hút gần 1 triệu lượt người tham gia, với khoảng 30% là nam giới. Công tác truyền thông của sự kiện này đã góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.
0:00 / 0:00
0:00
Gần 100 học sinh đến từ Hà Giang và Hà Nội tham gia trận bóng đá giao hữu "Tô cam giấc mơ” vào ngày 11/11/2023. (Ảnh: UN Women)
Gần 100 học sinh đến từ Hà Giang và Hà Nội tham gia trận bóng đá giao hữu "Tô cam giấc mơ” vào ngày 11/11/2023. (Ảnh: UN Women)

Gần 1 triệu lượt người tham gia Tháng hành động vì bình đẳng giới

Ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá công tác truyền thông năm 2023 và xây dựng Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Lê Khánh Lương cho biết, truyền thông được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và các chương trình, đề án thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới luôn coi truyền thông là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện bình đẳng giới. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 cho thấy sự quan tâm và nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện công tác này,

Tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất ảnh 1

Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: TỐNG GIÁP)

Đặc biệt, việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (sau đây gọi tắt là Tháng hành động) từ năm 2016 đến nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng, quan tâm, chung tay vào cuộc của người dân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức. Để triển khai Tháng hành động, hằng năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, hướng dẫn việc triển khai hoạt động này trên cả nước.

Hoạt động truyền thông trong Tháng hành động đã đạt được những con số khá ấn tượng. Cụ thể như, 6.145 hoạt động truyền thông đã được tổ chức, với gần 1 triệu lượt người tham gia (trong đó nam giới chiếm khoảng 30%).

Năm 2023 đã ghi nhận những thành quả hết sức nổi bật về truyền thông trong Tháng hành động. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch và tổ chức sự kiện này với nhiều hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hoạt động truyền thông trong Tháng hành động đã đạt được những con số khá ấn tượng. Cụ thể như, 6.145 hoạt động truyền thông đã được tổ chức, với gần 1 triệu lượt người tham gia (trong đó nam giới chiếm khoảng 30%). Gần 480 nghìn sản phẩm truyền thông được phát hành; gần 3.800 cuộc hội nghị, hội thảo truyền thông, nói chuyện chuyên đề được tổ chức, gần 60 nghìn hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng với hơn 36 nghìn tin, bài về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được đăng tải, tiếp cận tới 1,3 triệu lượt người.

Năm 2023 cũng đánh dấu sự tham gia tích cực, rộng rãi của khối các doanh nghiệp trên cả nước, tiêu biểu như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn TH, hệ thống các ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bắc Á… Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp một doanh nghiệp là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, cùng sự hỗ trợ về kỹ thuật của Cơ quan của Liên hợp quốc về trao quyền cho phụ nữ tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.

Với những thành quả của công tác truyền thông nói riêng và những nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, cùng với các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác bình đẳng giới, kết quả công tác bình đẳng giới trong hầu hết các lĩnh vực đều có những chuyển biến tích cực.

Chỉ số khoảng cách giới của Việt Nam tăng bậc

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Lê Khánh Lương cho biết, thông tin từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, Chỉ số khoảng cách giới năm 2023 của Việt Nam xếp thứ 72 trong số 146 quốc gia tham gia xếp hạng, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Cũng theo ông Lương, mặc dù công tác bình đẳng giới đã đạt được những thành tựu nhất định, song trong thực tế, việc thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn cần phải quan tâm hơn nữa. Các định kiến giới vẫn tồn tại khá phổ biến; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng giới vẫn còn diễn ra khá phổ biến trong xã hội. Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao và có xu hướng gia tăng, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý vẫn chưa tương xứng với vị thế, vai trò và tiềm năng của phụ nữ, công việc nội trợ và chăm sóc gia đình vẫn do phụ nữ đảm nhiệm là chính,... để giảm thiểu tình trạng này cần sự tham gia, sự chung tay, vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong cả nước.

Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe cho hay, năm 2023 đánh dấu năm thứ tám Liên hợp quốc phối hợp Chính phủ Việt Nam phát động Tháng hành động quốc gia. Thông qua nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan, chúng ta đã tiếp cận được hàng triệu người, mở ra các cuộc đối thoại về bình đẳng giới và tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường tôn trọng và bình đẳng cho tất cả mọi người, trong gia đình, trường học và nơi làm việc trên khắp Việt Nam.

Bà Caroline Nyamayemombe cũng biểu dương quy mô hoạt động rộng khắp của Tháng hành động. Khoảng 6.100 sáng kiến đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, với sự tham gia từ các đơn vị đối tác. Đó là các cơ quan Liên hợp quốc, chính phủ, bộ, sở, ban, ngành, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân. Riêng các hoạt động của UN Women đã tác động trực tiếp đến gần 4.800 người, hơn 53.500 lượt đưa tin trên các phương tiện truyền thông và 2,8 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội. Năm 2023 đã chứng kiến sự tham gia tích cực hơn của nam giới và trẻ em trai trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Chỉ riêng từ các hoạt động trong khuôn khổ chương trình EVAW do UN Women hỗ trợ, đã ghi nhận 4.617 nam giới tham gia trong năm 2023 so với 1.458 nam giới trong năm 2022. Các hoạt động trong chiến dịch ghi nhận sự tham gia của 433 nam giới trong năm 2023 so với 223 nam giới trong năm 2022.

Đại diện UN Women cũng ghi nhận cam kết mạnh mẽ của khu vực tư nhân cũng như các doanh nghiệp Việt Nam, những đóng góp của các đối tác phát triển tại Việt Nam trong Tháng hành động. Thông qua Nhóm các Đại sứ và Lãnh đạo các cơ quan viện trợ, một số sáng kiến cũng đã được thực hiện thông qua mạng xã hội.

Ông Lê Khánh Lương nhấn mạnh, từ những bài học kinh nghiệm, những mô hình, cách làm hay trong truyền thông về bình đẳng giới đã làm trong năm 2023, sẽ đề xuất Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói riêng và các chủ đề, hoạt động truyền thông trong năm 2024.