Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho biết, vụ việc xảy ra vào chiều 30/4, đến 18 giờ cùng ngày thì một số người có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn.
Đến sáng 1/5, có khoảng 40 trường hợp nhập viện cấp cứu. Trong ngày, Trung tâm Y tế thành phố Long Khánh đã yêu cầu cơ sở bánh mì tại phường Xuân Bình ngưng hoạt động.
Tiếp đó, đến chiều 1/5, số lượng người nhập viện tăng lên hơn 70 trường hợp nên lực lượng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đã xuống giám sát hoạt động cơ sở.
Theo đó, tiệm bánh mì C.B buôn bán tại nhà, có xe bánh mì. Mỗi ngày trung bình bán hơn 1.000 ổ bánh mì vào buổi sáng và buổi chiều.
Tính đến trưa 3/5, đã có có tổng cộng 487 ca vào các bệnh viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì thịt. Theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, trong số 12 bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có 2 ca nặng, phải thở máy kết hợp lọc máu.
Ngoài ra, một bệnh nhi được người nhà đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh điều trị với chẩn đoán viêm ruột, tiêu chảy cấp có mất nước nghi do vi trùng nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa.
Trong khi đó, những ca còn lại đang điều trị ở các bệnh viện sức khỏe tạm ổn định trở lại.
Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho biết, đến sáng cùng ngày đã có tổng cộng 487 ca ngộ độc phải nhập viện sau khi ăn bánh mì. |
Tại buổi làm việc, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long cho rằng, việc điều tra, tìm cách xử lý là cần thiết nhưng quan trọng nhất là cứu chữa bệnh nhân, nhất là những trường hợp nặng. Do đó, ông đề nghị Sở Y tế Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện huy động y, bác sĩ, bổ sung thuốc men điều trị cho các bệnh nhân.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế Đồng Nai cảnh báo người dân đã ăn bánh mì của tiệm C.B trong 2 ngày 30/4 và 1/5 nếu có triệu chứng thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tại thời điểm điều tra giám sát, tiệm bánh mì C.B do bà N.T.K.B làm chủ không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh. Bà B. sử dụng giấy phép kinh doanh cấp cho người con gái đã đi nước ngoài có địa chỉ ở nơi khác.
Ngoài ra, cơ sở cũng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe.
Số nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua đầu vào.
Lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh thăm, trao quà hỗ trợ cho người thân bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. |
Trong ngày 3/5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ban ngành, chính quyền địa phương và các cơ sở y tế khẩn trương khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thành phố Long Khánh.