Trước tình trạng này, các lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), công an,... phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương phát động người dân tố giác tội phạm, nâng cao tinh thần cảnh giác; tăng cường lực lượng tuần tra bờ biển, chủ động phát hiện thu gom nếu tiếp tục có ma túy trôi dạt vào bờ...
Vừa qua, người dân ở xã Thừa Đức (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đã đến công an xã trình báo về việc phát hiện một bao màu đen dạt vào bờ biển, bên trong có nhiều gói hình chữ nhật chứa chất bột trắng đã ngả vàng...
Sau khi tiếp nhận tin báo, các cán bộ Công an huyện Bình Đại và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Bến Tre) phối hợp Đồn Biên phòng Cửa Đại đến hiện trường lập biên bản sự việc, thu giữ 23 gói nghi là ma túy và một vật nghi là thiết bị định vị. Hiện, vụ việc đang được Công an tỉnh Bến Tre xử lý theo quy định.
Trước đó, các cán bộ BĐBP tỉnh Tiền Giang phối hợp với lực lượng chức năng địa phương phát hiện, thu giữ 85 bánh cocaine (đã trưng cầu giám định), có khối lượng khoảng 85kg trôi dạt vào vùng biển thuộc xã Kiểng Phước và xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông.
Quá trình thu giữ tang vật, nhận thấy các gói nghi là ma túy được gói bọc nhiều lớp nilon chống thấm nước, có ghi chữ, ký hiệu của nước ngoài, đóng gói hình khối chữ nhật giống nhau về kích thước và khối lượng, bên trong các gói chứa tinh thể mầu trắng, dạng thể rắn, được ép thành hình chữ nhật giống nhau. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc ma túy dạt vào bờ biển các tỉnh mà người dân và các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn biên giới tuyến biển thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang..., lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, thu giữ tổng cộng khoảng 487 kg ma túy các loại trôi dạt vào bờ biển, chủ yếu là cocaine.
Điển hình như vụ việc các cán bộ BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp lực lượng chức năng địa phương phát hiện, thu giữ 46 bánh cocaine; BĐBP tỉnh Quảng Ngãi phối hợp các đơn vị nghiệp vụ phát hiện, thu giữ 292 bánh ma túy. Đáng chú ý, đã có trường hợp người dân khi phát hiện ma túy trôi dạt không trình báo, giao nộp cho BĐBP và cơ quan chức năng mà tự ý mang về nhà giấu để bán kiếm lời nên đã bị bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật...
Từ các vụ việc ma túy trôi dạt trên biển nêu trên cho thấy, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy luôn diễn biến phức tạp. Đây có thể là một hình thức vận chuyển ma túy mới của tội phạm khi lợi dụng sóng biển đưa ma túy có gắn thiết bị định vị vào đất liền.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khiến các đối tượng thay đổi hình thức vận chuyển ma túy bằng đường biển là trên tuyến đường bộ, đường hàng không các lực lượng chức năng luôn kiểm soát chặt chẽ, nhiều chuyên án, vụ án lớn bị triệt phá.
Hơn nữa, nước ta có bờ biển dài, nhiều tàu thuyền đánh cá của người dân và các quốc gia lưu thông qua lại,... là những điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng vận chuyển ma túy sang nước thứ ba tiêu thụ. Trường hợp bị cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát phát hiện, bắt giữ thì các đối tượng dễ dàng phi tang số lượng ma túy trên biển. Do có gắn thiết bị định vị cho nên các đối tượng trong đường dây vẫn có thể trục vớt ma túy để tiêu thụ.
Trước những vụ việc này, các chuyên gia pháp luật khuyến cáo, trường hợp người dân phát hiện số lượng lớn ma túy dạt vào bờ biển, nhưng không thông báo với chính quyền địa phương mà tự ý cất giấu (tàng trữ), mua bán kiếm lời thì đó là hành vi vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, tùy theo số lượng, chủng loại ma túy cũng như mức độ, hành vi vi phạm,... mà cơ quan có thẩm quyền có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo các tội danh tương ứng.
Trường hợp người phạm tội cố tình cất giấu ma túy, không giao nộp cho lực lượng chức năng thì sẽ bị xử phạt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, theo Điều 249 Bộ luật Hình sự. Mức phạt tù cao nhất đối với người phạm tội này là chung thân. Đối với tội mua bán trái phép chất ma túy, theo Điều 251 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội có thể đối diện mức án cao nhất là tử hình.
Về vấn đề này, Đại tá Bùi Văn Vũ, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tiền Giang cho rằng, thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm về ma túy nói chung và tội phạm ma túy trên biển nói riêng còn diễn biến phức tạp.
Để triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, các đơn vị của BĐBP tỉnh tiếp tục phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các ngư dân khi phát hiện các vật thể trên biển hay trôi dạt vào bờ nghi vấn là ma túy thì cần kịp thời thông báo cho BĐBP và chính quyền địa phương để tổ chức thu giữ, xử lý theo quy định, không để xảy ra vụ việc người dân nhặt được ma túy rồi cất giấu, không trình báo, giao nộp cơ quan chức năng dẫn đến vi phạm pháp luật; phát động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy.
Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, cảnh sát biển,... chủ động rà soát, nắm chắc tình hình trên bộ, trên biển; điều tra, xác minh vụ việc theo thẩm quyền; thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, quản lý nghiệp vụ địa bàn, bảo đảm giữ gìn tốt an ninh-trật tự; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên khu vực biên giới, vùng biển của tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, thu giữ và xử lý tang vật, đối tượng (nếu có).