Giá lúa mì - chỉ báo rủi ro của thị trường nông sản từ các cuộc xung đột chính trị

NDO - Bất kể cuộc xung đột chính trị nào trên thế giới diễn ra, đều tác động trực tiếp tới hai khía cạnh: năng lượng và lương thực. Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine hay bất ổn ở Trung Đông gần đây đều khiến cho giá lúa mì thế giới biến động mạnh mẽ. Lo ngại thậm chí càng gia tăng khi thị trường lúa mì toàn cầu ngày càng gần với rủi ro thiếu hụt.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)

Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (Worldbank), mặc dù chỉ số giá lương thực toàn cầu đã giảm so mức đỉnh khi bắt đầu xung đột Biển Đen vào tháng 2/2022, nhưng vẫn ở mức cao so trước xung đột. Đáng chú ý, tính đến tháng 3 năm nay, giá lương thực và ngũ cốc vẫn cao hơn khoảng 25% so tháng 3/2020.

Trong đó, diễn biến nhảy vọt của lúa mì là một trong những nguyên nhân chính, trực tiếp gây nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu. Ngay sau thông tin xung đột giữa Nga và Ukraine, giá lúa mì Chicago đã ghi nhận 5 phiên liên tiếp đóng cửa ở mức kịch trần.

Giá lúa mì - chỉ báo rủi ro của thị trường nông sản từ các cuộc xung đột chính trị ảnh 1

Tác động vượt ra biên giới khu vực chiến tranh

Bước sang năm thứ 3, cuộc xung đột dai dẳng ở Biển Đen đang gây ra hậu quả lâu dài đối với ngành nông nghiệp ở Ukraine, do thiệt hại về cơ sở hạ tầng và diện tích sản xuất thu hẹp. Xuất khẩu của Ukraine vốn đã giảm 24% trong niên vụ 2023-2024, dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm trong niên vụ 2024-2025, chính phủ nước này cho biết.

Được biết tới là vựa lúa mì của châu Âu, khó khăn từ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Ukraine khiến cho các đối tác hàng đầu, tiêu biểu là khu vực Đông Nam Á đã phải giảm nhập khẩu hoặc đi tìm nhà cung cấp khác. Thị phần xuất khẩu lúa mì Ukraine trên toàn cầu giảm một nửa so mức trước khi xảy ra cuộc xung đột, xuống còn khoảng 5%.

Giá lúa mì - chỉ báo rủi ro của thị trường nông sản từ các cuộc xung đột chính trị ảnh 2

Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam Phạm Quang Anh.

Về phía Nga, song hành với dầu thô, lúa mì cũng được xem là lá chủ bài, đặc biệt là khi vị thế nguồn cung giá rẻ của quốc gia này ngày càng được củng cố. Nga dự kiến sẽ cung cấp 20% lượng lúa mì xuất khẩu ra toàn cầu. Nếu như sự phụ thuộc nguồn cung từ Nga của châu Âu khiến thị trường dầu khí ghi nhận biến động mạnh, thì việc quốc gia này mở rộng tầm ảnh hưởng nhờ vào việc cung cấp lúa mì sang Trung Đông và châu Phi có thể sẽ là rủi ro trong tương lai.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Lúa mì giá rẻ từ Nga đang trở nên phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn hơn trên thị trường quốc tế. Mặc dù dự báo xuất khẩu lúa mì toàn cầu sụt giảm 7 triệu tấn so niên vụ trước nhưng Nga là một trong số ít quốc gia vẫn có thể gia tăng xuất khẩu. Việc nguồn cung có tính tập trung hơn sẽ khiến cho các nước tiêu thụ càng trở nên phụ thuộc vào một số ít nhà cung cấp chủ chốt; mà trong mối quan hệ này, lúa mì sẽ là công cụ quan trọng có thể đe dọa tới an ninh lương thực tại nhiều quốc gia”.

Giá lúa mì - chỉ báo rủi ro của thị trường nông sản từ các cuộc xung đột chính trị ảnh 3

Xung đột Trung Đông: cú sốc tiếp theo với thương mại toàn cầu?

Sau hai sự kiện quan trọng là đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, cuộc chiến ở Trung Đông diễn ra được coi là "cú sốc thứ ba" và tiềm ẩn nhiều rủi ro toàn cầu. Căng thẳng mới chỉ gia tăng vào cuối tuần trước khi Iran tấn công trực tiếp vào Israel, đánh dấu giai đoạn hai nước chính thức bước ra khỏi cuộc chiến ngầm.

Cuộc khai hỏa này cũng làm nóng trở lại thị trường lúa mì. Trong bối cảnh thương mại lúa mì không mang tới nhiều lựa chọn cho các quốc gia nhập khẩu, tình hình chiến sự ở khu vực Trung Đông đã làm tăng lo ngại về sự gián đoạn trong sản xuất và vận chuyển lương thực. Điều này lý giải cho nguyên nhân giá lúa mì đã trải qua đợt biến động mạnh mẽ nhất kể từ tháng 11/2023.

Mặc dù không tác động trực tiếp tới thị trường lúa mì như tình hình xuất khẩu ở Biển Đen khi cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine diễn ra, nhưng rủi ro địa chính trị chung quanh vấn đề lương thực toàn cầu dự báo sẽ không sớm hạ nhiệt. Việc bảo đảm nguồn cung lúa mì trong tình trạng bất ổn là sẽ là ưu tiên của các quốc gia, dẫn tới nhu cầu dự trữ và các hạn chế xuất khẩu.

Đằng sau mối lo ngại về nguồn cung lương thực là nỗi ám ảnh mang tên “Mùa xuân Ả Rập” xảy ra vào năm 2011. Nền kinh tế khó khăn, đời sống đắt đỏ, giá thực phẩm gia tăng đã tạo ra cuộc nổi dậy ở nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. Cho đến giờ, những hậu quả từ sự kiện này vẫn đang tiếp diễn. Để tránh xa rủi ro này, các nhà nhập khẩu có thể sẽ gia tăng dự trữ lúa mì để đề phòng xung đột ngày càng mở rộng trong khu vực.

Thách thức đến từ hoạt động sản xuất

Được kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào cho rủi ro thiếu hụt nguồn cung lúa mì toàn cầu nhưng các nước sản xuất lớn khác cũng đang phải đối mặt với các thách thức từ thời tiết. Tại Mỹ, quốc gia xuất khẩu khoảng 20 triệu tấn lúa mì mỗi năm, tương đương với 10% khối lượng thương mại toàn cầu đang gặp bất lợi do hiện tượng lạnh giá vào mùa xuân.

Theo báo cáo Crop Progress, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, chất lượng lúa mì vụ đông của nước này đã sụt giảm mạnh. Chỉ có ½ diện tích được đánh giá là tốt-tuyệt vời, thấp hơn nhiều so kỳ vọng của giới phân tích.

Không chỉ Mỹ, các nước sản xuất lớn khác của châu Âu như Pháp, Đức và Ba Lan cũng đang phải đối mặt với rủi ro cây trồng bị thiệt hại sau giai đoạn ngủ đông. Lúa mì là loại cây trồng nhạy cảm với thời tiết lạnh, được bảo vệ trong suốt mùa đông nhờ có lớp tuyết bao phủ bên ngoài. Nhưng khi bước sang mùa xuân, các đợt lạnh xuất hiện trở lại sẽ khiến cho cây trồng không đủ sức chống chịu, khiến năng suất sụt giảm. Trước đó, do diện tích thu hẹp, khối EU dự kiến sẽ chỉ sản xuất lượng lúa mì thấp nhất kể từ năm 2020.

Giá lúa mì - chỉ báo rủi ro của thị trường nông sản từ các cuộc xung đột chính trị ảnh 4

Trong bối cảnh này, ông Quang Anh nhận định, nhu cầu dự trữ lúa mì nhằm bảo đảm an ninh lương thực nội địa tại nhiều quốc gia tiêu thụ, có khả năng đẩy thị trường lúa mì thế giới trở nên mong manh hơn. Hơn thế, với vị thế chiếm lĩnh thị trường hiện tại của Nga, rủi ro đối với lúa mì toàn cầu có thể không chỉ dừng lại ở việc gián đoạn thương mại, đặc biệt là khi mà tình hình sản xuất ở các nước khác chưa có dấu hiệu hồi phục.