Nguồn cung dồi dào tại khu vực Biển Đen khiến giá lúa mì lao dốc

NDO - Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/3, giá toàn bộ 7 mặt hàng nông sản chịu sức ép bán. Trong đó, lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà đi xuống khi lao dốc hơn 2%. Theo MXV, bên cạnh áp lực bán chốt lời của thị trường, giá tiếp tục gặp phải sức ép cạnh tranh mạnh mẽ đến từ nguồn cung dồi dào khu vực Biển Đen.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)

Cụ thể, SovEcon cho biết Nga đã xuất khẩu 1,14 triệu tấn lúa mì trong tuần vừa rồi, tăng so mức 0,93 triệu tấn của một tuần trước đó. SovEcon cũng dự báo lượng lúa mì xuất khẩu trong tháng 3 của nước này có thể đạt mức kỷ lục là 5 triệu tấn, so mức 4,8 triệu tấn cùng kỳ năm 2023.

Giá ngô cũng nối dài đà suy yếu trong phiên thứ 3 liên tiếp. Sau giai đoạn giằng co vào đầu phiên, lực bán được thúc đẩy mạnh trong phiên tối, khi thị trường phản ứng trước những tín hiệu tích cực về triển vọng sản xuất của Brazil. Kết phiên, giá hợp đồng tháng 5 ghi nhận mức giảm mạnh 1,2%.

Nguồn cung dồi dào tại khu vực Biển Đen khiến giá lúa mì lao dốc ảnh 1

Theo CONAB, tiến độ thu hoạch ngô vụ 1 niên vụ 23/24 của Brazil đã đạt 42,8% diện tích dự kiến, cao hơn mức 41,9% cùng kỳ năm ngoái. Đối với vụ thứ 2, việc gieo trồng hiện cũng sắp kết thúc với 96,8% diện tích đã được hoàn thành, so con số 91,1% cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, công tác thực địa tại quốc gia Nam Mỹ này vẫn đang diễn ra tương đối thuận lợi, giảm thiểu nguy cơ trồng ngô vụ 2 ngoài khung thời gian lý tưởng.

Bên cạnh đó, Viện Khí tượng Quốc gia Brazil (Inmet) cho biết, nước này đã nhận được lượng mưa tốt trên khắp đất nước trong ngày 26/3. Theo Inmet, mưa sẽ tiếp tục kéo dài tại khu vực Trung Tây Brazil trong suốt tuần này. Kỳ vọng thời tiết thuận lợi hơn sẽ giúp phục hồi và hỗ trợ cây trồng trong khu vực phát triển, đồng thời củng cố triển vọng nguồn cung năm nay của quốc gia này. Đây là yếu tố chính đã tác động “bearish” lên giá ngô trong phiên tối qua.

Tại Mỹ, phần lớn thị trường đang dự đoán diện tích trồng ngô niên vụ 24/25 được công bố trong báo cáo Prospective Planting 2024 tới đây sẽ ở mức 91,78 triệu mẫu. Con số này cao hơn so mức 91 triệu mẫu được đưa ra trong hội thảo Ag Outlook trước đó, phản ánh kỳ vọng của thị trường về quy mô mùa vụ Mỹ trong năm nay sẽ lớn hơn dự kiến. Thông tin trên cũng góp phần gây thêm sức ép trong phiên vừa rồi.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng 26/3 giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta tăng nhẹ. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao tháng 4 ở mức 6.500-6.550 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 5, giá chào bán dao động ở mức 6.350-6.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 100 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.

Nguồn cung dồi dào tại khu vực Biển Đen khiến giá lúa mì lao dốc ảnh 2

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong ngày hôm qua (26/3). Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của 3/4 nhóm mặt hàng trong sắc đỏ kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,58% xuống 2.223 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức hơn 5.200 tỷ đồng.