Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục đất đai

Nhờ kịp thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ, bố trí sắp xếp cán bộ làm việc cả thứ bảy, chủ nhật, công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội từng bước ổn định trở lại. Tuy nhiên, để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả lượng hồ sơ gia tăng, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cần mở rộng hình thức giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh huyện Thanh Trì.
Người dân đến làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh huyện Thanh Trì.

Thời gian gần đây, tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội và nhiều chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện đã xảy ra tình trạng quá tải. Người dân phải đến từ sáng sớm để xếp hàng, lấy số thứ tự đăng ký giải quyết thủ tục hành chính liên quan đất đai, nhưng vẫn chậm được giải quyết, phải đi lại nhiều lần.

Điển hình, tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh Hà Đông, lượng người dân đến đăng ký giải quyết thủ tục về đất đai có nhiều thời điểm, nhất là đầu giờ sáng quá đông, phải xếp hàng dài chờ đợi. Một số người dân đến muộn, khi hết số tiếp nhận trong buổi sáng đã lo lắng, hôm sau đến thật sớm, thậm chí từ 4-5 giờ sáng để lấy số. Lợi dụng tình hình này, không ít trang mạng xã hội đã đăng hình ảnh người dân xếp hàng dài lấy số thứ tự giải quyết thủ tục hành chính về đất đai để khẳng định thị trường bất động sản đang "sốt" và đẩy giá nhà đất lên cao...

Tình trạng người dân xếp hàng lấy số thứ tự để giải quyết thủ tục hành chính liên quan đất đai không chỉ diễn ra tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh quận Hà Đông, mà còn diễn ra tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh quận Nam Từ Liêm, huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì... trong nhiều thời điểm.

Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh quận Hà Đông cho biết, trong tháng 3 và đầu tháng 4, số hồ sơ tiếp nhận tại chi nhánh có tăng cao so với trước. Đặc biệt, lượng giao dịch của công dân trong tháng 3 là khoảng 1.500 hồ sơ, tăng 200% so với các tháng trước. Để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, đơn vị đã tăng số lượng tiếp nhận hồ sơ từ 100 số lên 200 số/ngày và mở thêm cửa, bố trí thêm cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Chi nhánh cũng cử cán bộ luân phiên trực vào 7 giờ sáng và 13 giờ chiều hằng ngày phối hợp cùng bộ phận bảo vệ của Ủy ban nhân dân quận Hà Đông sắp xếp phân luồng, hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm an ninh trật tự; đồng thời cử cán bộ hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên phần mềm dịch vụ công của thành phố. Đặc biệt, chi nhánh bố trí cán bộ làm thêm giờ, kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật để giải quyết hồ sơ. Nhờ đó, tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đợi lấy số thứ tự từ sớm cơ bản được giải quyết.

Thông tin từ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các địa phương cũng cho thấy, số lượng hồ sơ về đất đai trong quý I/2024 có tăng, nhưng tập trung nhiều vào hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, giải chấp, thế chấp với ngân hàng, chứ không chỉ tập trung lĩnh vực giao dịch chuyển nhượng đất đai. Hiện nay có rất nhiều người dân đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ để làm các thủ tục liên quan đất đai, nhất là hồ sơ giao dịch bảo đảm đăng ký thế chấp và xóa thế chấp tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái (có chi nhánh tăng hơn 200%).

Tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, hồ sơ giao dịch biến động cũng tăng khoảng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước (tháng 3/2023 là 3.317 hồ sơ, tháng 3/2024 là 5.049 hồ sơ). Đáng chú ý, số lượng hồ sơ liên quan lĩnh vực đất đai quý I/2024 có tăng nhưng không đột biến. Cụ thể, tháng 1 có 3.475 hồ sơ; tháng 2 có 1.584 hồ sơ; tháng 3 có 3.434 hồ sơ.

Theo đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, trước tình hình tăng cục bộ tại một số địa phương, đơn vị đã yêu cầu các chi nhánh tăng cường cán bộ hướng dẫn người dân, mở thêm cửa tiếp nhận, đáp ứng lượng hồ sơ tăng thêm; bố trí cán bộ làm thêm ngoài giờ hành chính các ngày trong tuần và làm việc cả thứ bảy, chủ nhật nếu lượng hồ sơ tăng đột biến. Văn phòng có thể điều động cán bộ từ chi nhánh có ít hồ sơ sang chi nhánh có lượng hồ sơ lớn, hoặc bị quá tải; tăng cường nhân lực cho bộ phận một cửa. Các chi nhánh phải bố trí, sắp xếp công việc khoa học, nhịp nhàng, bảo đảm việc tiếp, giải quyết hồ sơ đúng hạn. Đặc biệt, công dân có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp và xóa thế chấp...