Trước đó, trong tháng 3, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá băng tần cho 4G/5G. Kết quả là: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá hơn 7.500 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá hơn 2.580 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết, với việc đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G từ ngày 11/4/2024.
Thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng triển khai thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024, hình thành một hạ tầng mới thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ trao giấy phép, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định, khi có tần số, Viettel quyết tâm sớm đưa dịch vụ 5G chính thức cung cấp tới người dùng trong năm 2024; cũng như tăng cường hạ tầng cho 4G. Mạng 5G sẽ là một trong những hạ tầng số quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số.
Ông Tào Đức Thắng cũng mong muốn tiếp tục được tham gia đấu giá các tần số mới để xây dựng phát triển hạ tầng, cung cấp thêm nhiều dịch vụ tốt hơn nữa, hiện đại hơn nữa cho xã hội, người dùng.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái, việc cấp giấy phép sớm là cơ sở để doanh nghiệp có thể triển khai dịch vụ 5G tới khách hàng, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc nhở, mặc dù đấu giá thành công 5G, nhưng từ nay đến năm 2030, dung lượng vẫn chủ yếu là 4G. Vì thế, bên cạnh việc đầu tư cho 5G, Bộ trưởng đề nghị các nhà mạng vẫn chú trọng tập trung 4G. Hiện 4G Việt Nam không có tần số thấp để phủ sóng trong nhà, chỉ phủ sóng ở tần số cao, nên nhiều nơi trong nhà sóng điện thoại bị chập chờn.