Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, nhất là Công điện số 794/CĐ-TTg ngày 12/9/2023 về việc xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc và nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư đạt quy mô đường cao tốc hoàn chỉnh. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Việc sớm hoàn thành, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc là rất cần thiết và cấp bách. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong quy hoạch, thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác các dự án đường bộ cao tốc mới, cũng như sớm triển khai nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã đầu tư theo quy mô phân kỳ (nhất là các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu công trình phụ trợ, trạm dừng nghỉ, các nút giao chưa phù hợp…).
Để kịp thời khắc phục các tồn tại, bất cập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác các tuyến đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc: Bộ trưởng Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, trong đó lưu ý rà soát kỹ, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc như: Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với các điều kiện thực tế của Việt Nam; Quy định về số làn đường, mặt cắt ngang, dải phân cách, làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế, trạm dừng nghỉ,…; Nguyên tắc bố trí, thiết kế, tổ chức các nút giao, phù hợp với yêu cầu khai thác thực tế, khoa học, hiệu quả, chiều rộng và tốc độ thiết kế của nút giao cho phù hợp với tốc độ của đường cao tốc.
Tổ chức, quản lý khai thác vận hành các tuyến cao tốc bảo đảm thuận lợi, an toàn, hiệu quả… phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, vùng miền, kết nối các khu vực, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường bộ cao tốc, tạo ra không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, khu vực. Hoàn thành trước ngày 5/4/2024.
Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng nhiệm vụ chủ động tích cực với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình triển khai các nhiệm vụ.
Về nghiên cứu, triển khai đầu tư, nâng cấp ngay các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ đạt quy mô đường cao tốc hoàn thành. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương gửi phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã và đang đầu tư theo quy mô phân kỳ đến Bộ Giao thông vận tải theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024.
Bộ trưởng Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật, nhu cầu vận tải, trong đó có giải pháp cụ thể để đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe, các tuyến đường bộ cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ...; Thời hạn hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024.
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ: Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Công điện này.