Lễ hội Yên Thế 2024 gồm nhiều nghi lễ và hoạt động thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, tăng cường tình đoàn kết các dân tộc.
Lễ hội giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa, những giá trị đặc sắc của vùng đất, con người, thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Điểm nhấn của Lễ hội Yên Thế 2024 là chương trình khai mạc lễ hội diễn ra vào sáng 16/3/2024 với Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản hùng ca Yên Thế", được dàn dựng quy mô hoành tráng, công phu, mang tính sử thi, nhằm ca ngợi công lao của thủ lĩnh Lương Văn Nắm, anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám cùng các nghĩa quân Yên Thế đã anh dũng chiến đấu, chống thực dân Pháp trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Cùng với đó là lễ cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đình Hả và dâng hương tại đền thờ Lương Văn Nắm; lễ cắt băng khánh thành công trình Đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, Đình Ba tầng mái (thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế); Khai mạc trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế; Lễ tế, Lễ dâng hương, Lễ phóng ngư-thả điểu; các giải thể thao: Bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hơi, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co,...
Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, do Đề Nắm (tức Lương Văn Nắm) và Đề Thám (tức Hoàng Hoa Thám) lãnh đạo. Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất và kéo dài nhất (gần 30 năm từ 1884 đến 1913) trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tiêu biểu cho phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo.
Thủ lĩnh Đề Nắm đã lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế đẩy lui nhiều trận càn quét của quân Pháp vào khu vực Cao Thượng, Hố Chuối. Đến năm 1891, nghĩa quân làm chủ một vùng rộng lớn và mở rộng hoạt động sang Phủ Lạng Thương
Trước những đợt tấn công, càn quét mới của giặc, nghĩa quân phải rút dần lên vùng Bắc Yên Thế xây dựng, củng cố hệ thống công sự phòng thủ. Tháng 3/1892, Pháp huy động khoảng 2.200 quân, gồm nhiều binh chủng ồ ạt tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân bị tổn thất nặng, nhiều người bị địch bắt và giết hại, một số phải ra hàng. Đề Nắm bị sát hại vào tháng 4/1892.
Sau khi Đề Nắm qua đời, Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) tập hợp những toán nghĩa binh còn sót lại, mở rộng địa bàn hoạt động. Sáng 19/12/1892, Đề Thám tập hợp một lực lượng gồm 400 quân tại đình làng Đông, xã Quỳnh Đông (nay là thị trấn Bích Động, thị xã Việt Yên), tổ chức lễ tế cờ, chính thức trở thành thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa.
Tháng 10/1894, theo thỏa thuận giữa hai bên, quân Pháp phải rút khỏi Yên Thế, Đề Thám được cai quản 4 tổng: Yên Lễ, Mục Sơn, Nhã Nam, Hữu Thượng. Nhưng cuộc hòa hoãn kéo dài chưa được bao lâu thì Pháp đã bội ước, lại tổ chức tấn công (tháng 11/1895). Nghĩa quân phải chia nhỏ ra từng toán, trà trộn vào dân để hoạt động.
Giai đoạn 1897-1908, tranh thủ thời gian hòa hoãn kéo dài, Đề Thám cho nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tích cực luyện tập quân sự tại đồn điền Phồn Xương. Đội quân của ông tuy không đông nhưng rất tinh nhuệ, thiện chiến. Căn cứ Yên Thế trở thành nơi tụ hội của những nghĩa sĩ yêu nước từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương… kéo về.
Giai đoạn từ 1909-1913, nghĩa quân trải qua những tháng ngày gian khổ, phải di chuyển liên tục từ nơi này sang nơi khác. Nhiều thủ lĩnh đã hy sinh, một số phải ra hàng. Tháng 2/1913, Đề Thám bị sát hại, cuộc khởi nghĩa Yên Thế đi dần vào thoái trào.
Hiện nay khu di tích khởi nghĩa Yên Thế gồm 23 điểm di tích, trải rộng trên địa bàn 4 huyện (Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có Lễ hội Yên Thế (địa điểm: thị trấn Cầu gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).