Hôm 30/1, Chính phủ Saudi Arabia đã yêu cầu tập đoàn năng lượng Aramco của nước này từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng được đưa ra trước đó và duy trì sản lượng khai thác dầu thô ở mức tối đa là 12 triệu thùng/1 ngày, thay vì 13 triệu thùng/1 ngày.
Phát biểu tại hội thảo công nghệ dầu khí IPTC tại thành phố Dharan, phía đông Saudi Arabia, Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman nói rằng việc tạm ngừng kế hoạch tăng sản lượng khai thác chỉ vì Saudi Arabia đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo Bộ trưởng, tập đoàn Aramco cần đầu tư vào cả lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh Saudi Arabia cam kết đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060. Còn tập đoàn Aramco cam kết đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hoàng tử Abdulaziz nhấn mạnh Saudi Arabia có công suất khai thác dự phòng "khổng lồ" để có thể hỗ trợ thị trường dầu thế giới trong trường hợp xảy ra gián đoạn nguồn cung do xung đột hoặc thiên tai. Vào cuối tháng 11/2023, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý I/2024. Trong đó, Saudi Arabia thực hiện mức cắt giảm tự nguyện lớn nhất với 1 triệu thùng/ngày, theo đó, trở thành nước có công suất khai thác dự phòng lớn nhất thế giới.
Phát biểu tại cùng sự kiện trên, Giám đốc điều hành Aramco, ông Amin Nasser nhận định nhu cầu dầu mỏ trên thế giới trong năm 2024 sẽ tăng lên 104 triệu thùng/1 ngày và 105 triệu thùng/1 ngày trong năm 2025. Nhận định này của ông Nasser đã hạ thấp những đánh giá trước đó cho rằng nhu cầu dầu mỏ trên thị trường thế giới sẽ sớm đạt đỉnh vào bất kỳ thời điểm nào. Số liệu của OPEC cho thấy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 đã tăng ở mức cao kỷ lục là hơn 102 triệu thùng/1 ngày.
Cùng ngày, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdel-Ghani cho biết nước này cam kết tuân thủ các quyết định của OPEC về hạn ngạch khai thác, đồng thời khẳng định sản lượng khai thác dầu của Iraq sẽ không vượt quá 4 triệu thùng/1 ngày.