Đóng góp chủ yếu vào đà giảm của thị trường trong tuần qua là lực bán mạnh trên nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, toàn bộ 5 mặt hàng năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức lao dốc mạnh.
Chốt tuần, giá dầu WTI chốt tuần tại mức giá 81,25 USD/thùng, giảm 2,33% so với tuần trước đó. Giá dầu Brent giảm 2,31% xuống 82,8 USD/thùng.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), nguyên nhân chính kéo giá dầu giảm trở lại trong tuần qua là dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc, làm gia tăng lo ngại về sự phục hồi tăng trưởng sau dịch bệnh. Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
Bên cạnh đó, Biên bản họp lãi suất hồi tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được công bố trong tuần qua vẫn nhấn mạnh vào mục tiêu kiểm soát lạm phát, cảnh báo về biến động lãi suất có thể tăng hơn nữa hoặc duy trì trong thời gian dài.
Đồng USD tăng tuần thứ 5 liên tiếp cũng tạo sức ép nhất định cho giá dầu do chi phí mua hàng đắt đỏ hơn. Còn xét về yếu tố cung cầu, Ngân hàng Citigroup cho rằng các nhà giao dịch có thể bán khống dầu và các sản phẩm từ dầu sau khi mùa hè kết thúc.
Các nhà phân tích của Citigroup cho rằng nhu cầu thường đạt đỉnh vào tháng 8, dự báo thị trường dầu sẽ thặng dư 200.000 thùng/ngày trong năm 2023 và tiếp tục thặng dư 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024, với nguồn cung dầu bổ sung đến từ các quốc gia cả trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Ngoài ra, Citigroup cũng cảnh báo các nhà giao dịch rằng OPEC+ có thể sẽ phải cắt giảm sản lượng nhiều hơn nữa để giữ giá dầu trên mức 70 USD/thùng.
Mặc dù sức ép bán chiếm ưu thế trong tuần, nhưng giá dầu đã lấy lại động lực tăng giá trong 2 phiên cuối tuần trong bối cảnh lo ngại nguồn cung tại Mỹ sẽ không đủ bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường trong trung và dài hạn.
Số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ đã giảm 5 giàn trong tuần qua xuống còn 520, mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2022 và thấp hơn khoảng 14% so với thời điểm này năm ngoái, theo dữ liệu của Tập đoàn dầu khí Baker Hughes.
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu châu Á tiếp tục săn lùng dầu thô cho hoạt động lọc trong bối cảnh nguồn cung Trung Đông thắt chặt. Iran đã tăng giá dầu thô kỳ hạn tháng 9 tới thị trường châu Á. Cụ thể, mức chênh lệch 3,45 USD/thùng so với báo giá tiêu chuẩn của Oman/Dubai đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 của Iran cao hơn khoảng 0,3 USD/thùng so với mức chênh lệch giá kỳ hạn tháng 8.
MXV nhận định, trong tuần này, thị trường năng lượng nói chung, giá dầu thô nói riêng nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu các tác động mạnh mẽ bởi yếu tố vĩ mô, trong đó tâm điểm là Hội nghị Jackson Hole, một trong những hội nghị kinh tế quan trọng với nhà đầu tư. Hàng loạt quan chức từ các Ngân hàng Trung ương lớn nhất trên thế giới sẽ tham dự trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 24/8.
Các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có thêm thông tin từ các bình luận về kế hoạch thắt chặt tiền tệ, đánh giá về điều kiện tăng trưởng kinh tế, các chính sách kinh tế thời gian tới trong thời điểm Hội nghị diễn ra. Điều này sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường tài chính, trong đó có thị trường năng lượng.
Ngoài ra, bên cạnh các tác động vĩ mô, nhà giao dịch dầu thô cần theo dõi chặt chẽ yếu tố cung cầu, nhất là khi Mỹ đang dần bước vào giai đoạn cuối mùa tiêu thụ cao điểm.
Đối với quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc, bối cảnh kinh tế kém sắc vẫn đang tạo ra sức ép nhất định cho giá dầu. Tuy nhiên, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản nhằm hỗ trợ tăng trưởng ngay đầu tuần tới. Điều này có thể đem lại động lực tăng nhẹ cho giá dầu.