Thúc đẩy “ngoại giao con thoi” về tình hình Gaza

Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza có nguy cơ lan ra khu vực Trung Đông, các nước phương Tây đẩy mạnh hoạt động ngoại giao con thoi nhằm hạ nhiệt tình hình.
0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Blinken lên máy bay tại căn cứ không quân Andrews ở bang Maryland, ngày 4/1, bắt đầu chuyến công du Trung Đông. (Ảnh: The New York Times)
Ngoại trưởng Blinken lên máy bay tại căn cứ không quân Andrews ở bang Maryland, ngày 4/1, bắt đầu chuyến công du Trung Đông. (Ảnh: The New York Times)

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã bắt đầu chuyến công du một loạt nước ở Trung Đông, nhằm thúc đẩy các giải pháp cho cuộc xung đột tại Gaza. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock ngày 7/1 cũng tới Israel.

Pháp và Jordan vừa phối hợp thả bảy tấn hàng viện trợ từ máy bay cho dân thường và đội ngũ nhân viên cứu trợ ở Gaza. Theo Điện Elysee, các kiện hàng của Pháp và Jordan đều được trang bị hệ thống dẫn đường từ xa để bảo đảm hàng viện trợ tới được bệnh viện dã chiến của Jordan đang hoạt động ở Gaza.

Thủ lĩnh phong trào Hezbollah tại Liban cảnh báo sẽ phản ứng nhanh chóng trên chiến trường sau vụ phó thủ lĩnh của Hamas Saleh al-Arouri bị sát hại ở thủ đô Beirut của Liban. Phong trào Hezbollah ở Liban ngày 6/1 cũng thừa nhận đã phóng hơn 60 quả rocket vào một căn cứ quân sự ở khu vực Meron, miền bắc Israel.

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit kêu gọi Mỹ gây áp lực với Israel; bày tỏ hy vọng Chính phủ và Quốc hội Mỹ sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình với Israel để buộc Israel phải ngừng các chiến dịch quân sự ở Gaza hiện nay. Theo quan chức này, các hoạt động của Israel đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế và cần thúc đẩy giải pháp hai nhà nước để chấm dứt xung đột.

Trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng lâm thời Liban và Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar nhấn mạnh, tình trạng bạo lực lan rộng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, vì thế cần có hành động cấp thiết từ cộng đồng quốc tế.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết, các hoạt động nhân đạo gặp rất nhiều thách thức, khi chính nhân viên viện trợ nhân đạo cũng thiệt mạng, các đoàn xe chở hàng bị tấn công, thông tin liên lạc bị cắt đứt, đường bộ bị hủy hoại…

Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) cũng cảnh báo về nguy cơ “sụp đổ” của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza. Hầu hết các bệnh viện ở miền bắc Gaza đã ngừng hoạt động do thiếu nhiên liệu, thuốc và thiết bị y tế.

Bệnh viện Al-Amal, một trong số ít cơ sở khám, chữa bệnh vẫn còn hoạt động ở miền nam Gaza, cũng có nguy cơ phải dừng hoạt động, trong bối cảnh Israel liên tục pháo kích.