Tại phiên họp, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách khu vực Trung Đông Khaled Khiari nhấn mạnh, các mối đe dọa đối với hoạt động hàng hải trên Biển Đỏ đáng báo động. Quan chức Liên hợp quốc hối thúc tất cả các bên liên quan nỗ lực giảm căng thẳng, tránh để ảnh hưởng tới an ninh khu vực và hoạt động thương mại quốc tế.
Báo động về an toàn ở Biển Đỏ
Ngày 3/1, Mỹ cùng Australia, Bahrain, Canada, Bỉ, Đức, Italia, Nhật Bản, New Zealand, Anh, Đan Mạch và Hà Lan cùng lên tiếng thúc giục lực lượng Houthi dừng các cuộc tấn công bất hợp pháp nhằm vào tàu chở hàng ở Biển Đỏ. Trong tuyên bố, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã yêu cầu chấm dứt hành động tấn công ngay lập tức, đồng thời thả các tàu và thủy thủ đoàn bị giam giữ bất hợp pháp.
Tuyên bố cũng nêu rõ, lực lượng Houthi sẽ phải đối mặt hậu quả nếu tiếp tục đe dọa an toàn và dòng chảy thương mại tự do trên các tuyến đường biển khu vực.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố trên mạng xã hội X rằng, lực lượng Houthi phải chấm dứt các cuộc tấn công chết người và gây mất ổn định hoạt động vận chuyển hàng hải ở Biển Đỏ. Thủ tướng Anh khẳng định, London sẽ tăng cường các biện pháp để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Đức cũng nhấn mạnh các cuộc tấn công nhằm vào tàu thương mại ở Biển Đỏ là không thể chấp nhận được và phải chấm dứt ngay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết, nước này đang thúc đẩy thảo luận trong Liên minh châu Âu (EU) nhằm hình thành một phái bộ hàng hải tại khu vực.
Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Jihad Azour nhận định, sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ ảnh hưởng trực tiếp các nền kinh tế Trung Đông và hoạt động thương mại toàn cầu. Chi phí vận chuyển tăng vọt và khối lượng vận chuyển qua Kênh đào Suez của Ai Cập sụt giảm mạnh sau các cuộc tấn công của Houthi.
Trong khi đó, lực lượng Houthi thừa nhận đã thực hiện các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào tàu của Pháp trên Biển Đỏ và tuyên bố tiếp tục ngăn tàu đến Israel đi vào Biển Đỏ và Biển Arab, cho tới khi hàng hóa và thuốc chữa bệnh được phép vào Gaza. Trước đó, quân đội Mỹ cho biết, tối 2/1 lực lượng Houthi bắn hai tên lửa vào khu vực có nhiều tàu chở hàng, gần eo biển Bab al-Mandab.
Căng thẳng ở biên giới Israel-Liban gia tăng
Ngày 3/1, phong trào Hezbollah tại Liban cảnh báo lực lượng này sẵn sàng tiến hành một “cuộc chiến không giới hạn” chống Israel, nếu Israel phát động chiến tranh chống Liban. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Israel vào thủ đô Beirut của Liban, khiến một thủ lĩnh cấp cao Hamas thiệt mạng. Các cuộc giao tranh qua biên giới diễn ra liên tiếp giữa các lực lượng Israel và Hezbollah.
Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, chia sẻ về mối quan ngại ngày càng lớn về tình hình nhân đạo ở Gaza và căng thẳng ở biên giới Liban-Israel. Thủ tướng Mitsotakis nhấn mạnh rằng, Hy Lạp ủng hộ những nỗ lực của Ai Cập trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo nhanh chóng và an toàn cho người dân ở Gaza.
Ngày 3/1, Chính phủ Đức cảnh báo về nguy cơ xung đột Israel-Hamas lan rộng sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Israel ở Beirut, đồng thời kêu gọi công dân Đức cân nhắc rời Liban. Bộ trưởng Ngoại giao Italia cũng bày tỏ lo ngại về xung đột leo thang tại Trung Đông, khi giao tranh gia tăng giữa Israel và lực lượng Hezbollah dọc biên giới Liban-Israel và Houthi tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X sau cuộc trao đổi với người đồng cấp Israel, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần làm nhiều hơn nữa để đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, đồng thời kêu gọi Israel cho phép tăng đáng kể nguồn cung viện trợ, thả các con tin và tiến tới một lệnh ngừng bắn bền vững.