Theo Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2023), Điện ảnh Quân đội nhân dân đã chủ động tham mưu, đề xuất, lựa chọn các tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến, với những khắc họa sống động và rõ nét hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, có giá trị cao về nội dung và chất lượng nghệ thuật.
Việc tổ chức Tuần phim trong tháng cũng để thông qua đó thể hiện sự tri ân, tôn vinh lịch sử vẻ vang, truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước qua các giai đoạn của lịch sử, và trong thời kỳ đổi mới, hội nhập phát triển đất nước.
Qua các tác phẩm điện ảnh lần này, hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong mọi giai đoạn cách mạng được tiếp cận gần hơn với khán giả, tạo được ấn tượng sâu sắc hơn trong lòng mỗi người dân; đồng thời, đưa các hoạt động và đời sống học tập, công tác của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình đến gần với khán giả trên mọi miền đất nước, để nhân dân thêm hiểu và càng tin yêu, đồng cảm hơn với những khó khăn vất vả, những hy sinh, mất mát của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đáng chú ý, trong các bộ phim đã công chiếu, có những tác phẩm mới được Điện ảnh Quân đội nhân dân hoàn thành trong năm 2023, phản ánh hình tượng của người lính những năm tháng chiến tranh, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, mang đậm hơi thở của thời đại. Hai bộ phim được chọn chiếu trong tối khai mạc, gồm: Phim tài liệu “Khát vọng thiên thanh” của đạo diễn Nguyễn Diệu Hoa; phim truyện “Sao xanh nơi biển sóng” của đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng.
Bộ phim “Khát vọng thiên thanh” phản ánh khát vọng hòa bình, độc lập được lưu truyền qua nhiều thế hệ dân tộc Việt Nam, thông qua những chiến công của thế hệ vàng phi công tiêm kích mà Trung tướng Nguyễn Đức Soát là đại diện tiêu biểu. Người lính phi công gọi đó là “Khát vọng thiên thanh”. Khát vọng ấy bắt nguồn từ những tình cảm giản dị dành cho quê hương, gia đình, bè bạn... Càng trong gian khổ, những người lính mang khát vọng thiên thanh càng tỏa rạng những phẩm chất cao đẹp. Bộ phim khẳng định khát vọng giản dị và cao đẹp ấy sẽ tiếp tục được truyền từ thế hệ phi công huyền thoại đến lớp lớp phi công trẻ, những người tiếp tục gánh vác sứ mệnh bảo vệ bình yên cho bầu trời Tổ quốc.
Phim truyện “Sao xanh nơi biển sóng” có nội dung về những người lính biên phòng ở một cửa biển vượt qua bao khó khăn trong việc phòng chống buôn lậu, bảo vệ an ninh biên giới biển quốc gia. Đại úy Giang, nhân vật chính, đối diện với hoàn cảnh khắc nghiệt khi gia đình bị kẻ xấu gài bẫy, đồng thời bị bọn buôn lậu tìm cách mua chuộc, đe dọa.
Tuy nhiên, bằng bản lĩnh, trí tuệ kiên định của một quân nhân, anh đã đấu tranh với mọi thủ đoạn, phát hiện những manh mối quan trọng để triệt phá đường dây buôn lậu và bắt tên trùm ma túy ẩn danh bấy lâu. Những năm gần đây, đề tài người lính biên phòng đã được tập trung khai thác khá nhiều trên màn ảnh, song đây là lần đầu tiên, một câu chuyện trinh thám, phá án về đường dây buôn bán ma túy trái phép trên tuyến biên phòng biển được kể lại qua phim truyện nhựa.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng, đây là đề tài khá thú vị. Gần 20 năm trước, anh từng thực hiện một số tác phẩm điện ảnh liên quan đến phòng chống ma túy. Nhưng ngày nay, cuộc chiến ấy ngoài thực tế diễn ra phức tạp hơn, với nhiều loại hoạt chất mới, cùng thủ đoạn tinh vi hơn, xảo quyệt hơn. Khi đọc kịch bản của Thiếu tá Trần Thị Thu Hương, anh bị cuốn hút ngay bởi tính chân thực, gần gũi và những tình tiết, cao trào, bất ngờ, hấp dẫn mà biên kịch khéo léo lồng ghép vào...
Phim có sử dụng một cú máy one-shot (cú máy không dừng) để thực hiện cảnh quay gay cấn. Tuy rất khó, nhưng kỹ thuật này giúp diễn viên giữ được cảm xúc liền mạch, đúng nhịp và thỏa mãn cả “cái tôi làm nghề” của quay phim. Đây là một trong những cao trào mà ê-kíp tâm đắc trong bộ phim. Bên cạnh thông điệp chính về chủ đề phòng chống ma túy, làm nổi bật hình tượng người cán bộ, chiến sĩ biên phòng, phim còn mang đến thông điệp về tình yêu qua sự lồng ghép nhiều câu chuyện về tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử, tình đồng đội, tình anh em...
Nhiều bộ phim đặc sắc cũng được lựa chọn để chiếu tại các Tuần phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân và các hãng phim sản xuất, gồm: Các phim tài liệu: “Thanh âm đại ngàn”, “O Chẩm”, “Thép trong lòng biển sâu”; các phim truyện: “Đường thư”, “Đất lành”, “Tiểu đội hoa hồng”.
Rạp chiếu phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân có hơn 200 ghế, nhưng buổi chiếu nào cũng phải bổ sung gần 100 ghế. Nhiều khán giả đến trước giờ chiếu nhưng phòng kín chỗ đành đứng xem phim... Ðó là hình ảnh gây chú ý tại các Tuần phim chiếu vào các dịp kỷ niệm do Ðiện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức. Tuy được triển khai chưa lâu nhưng Tuần phim thật sự đã trở thành nét đẹp văn hóa, dần tạo nên sự mới mẻ trong bản sắc của Điện ảnh Quân đội nhân dân, vốn đã được biết đến là đơn vị làm phim hàng đầu về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng.
Ðể khâu tổ chức diễn ra chu đáo, hiệu quả và trọng thể, Ðiện ảnh Quân đội nhân dân đã chuẩn bị khá sớm cho các Tuần phim, từ khâu phối hợp các hãng phim, đoàn phim, đạo diễn để chọn lọc phim có đề tài, nội dung phù hợp với chủ đề cho tới đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó chú trọng kênh tuyên truyền, quảng bá trên mạng xã hội nhằm thu hút khán giả trẻ, phát hành giấy mời một cách trân trọng đến các cơ quan, đơn vị, khán giả... Trước và trong Tuần phim, đơn vị huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ làm tốt công tác tổ chức, kỹ thuật, hậu cần, an ninh...
Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân chia sẻ: Là những người lính làm nghệ thuật, Ban tổ chức nhận thức rất rõ sự gắn bó giữa văn học nghệ thuật với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong lịch sử, văn học nghệ thuật luôn có hai vai trò: Vừa là sản phẩm tiêu biểu cho thành tựu của dân tộc, góp phần củng cố bản sắc dân tộc trong từng giai đoạn; vừa là tác nhân lan tỏa bản sắc dân tộc đến với từng cá nhân, góp phần củng cố sức mạnh cộng đồng. Hai vai trò ấy càng rõ nét trong thời đại Hồ Chí Minh, khi dân tộc ta chiến đấu với thực dân, đế quốc để giành độc lập, thống nhất.
Với nhận thức đó, Điện ảnh Quân đội nhân dân luôn nỗ lực để các tác phẩm của mình vừa phản ánh các giá trị tiêu biểu của thời đại, vừa góp phần xây dựng khối đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc. Đơn vị cũng rất chú trọng lựa chọn các tác phẩm phản ánh các giá trị đặc sắc của thời đại, đồng thời có chất lượng nghệ thuật, sức hấp dẫn, có thông điệp sâu sắc nhằm cổ vũ khán giả chiêm nghiệm về bản sắc dân tộc, về quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, về khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc. Tuần phim là mong muốn đóng góp vào việc lan tỏa bản sắc dân tộc, các giá trị tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh; góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn về bản sắc dân tộc của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.