Góc nhìn chân thực về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Vào dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914-1/1/2024), Nhà xuất bản (NXB) Quân đội đã ấn hành tác phẩm Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, do con trai của ông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ biên.
0:00 / 0:00
0:00
Bìa cuốn sách.
Bìa cuốn sách.

Cuốn sách mang đến cho bạn đọc chân dung khá chân thực về vị Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đọc cuốn sách này, chúng ta có thể thấy chân dung của một Đại tướng - “một con đại bàng bay trên trời cao, có tầm nhìn xa, trông rộng, lại thấy được những cái cụ thể trên mặt đất”, như lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Sách chia làm 10 chương, gồm 99 câu chuyện, được biên soạn từ hồi ức của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và các thành viên gia đình, cùng các tư liệu, bài viết của nhiều tác giả về Đại tướng trong vài chục năm qua. Trước hết, đó là chân dung vị Đại tướng từ những góc nhìn khác nhau trên các lĩnh vực công tác và cuộc sống đời thường của ông.

Đó là 26 câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa cá nhân, phê phán những tư tưởng lệch lạc, sai trái.

Bên cạnh tư tưởng và tư duy quân sự, chính trị sắc bén ở tầm chiến lược, chúng ta còn được nghe nhiều câu chuyện thú vị và nhân văn về vị tướng đã “Cõng lính qua suối”, về “Món quà Tết” mà ông yêu thích hay sự khiêm tốn, cầu tiến trong chuyện “Học văn hóa”.

Ở một góc nhìn khác, tác giả chọn ra sáu câu chuyện, nhưng đã thể hiện sự gắn bó với quần chúng, với cơ sở của một “Đại tướng nông dân”.

Bằng tư duy nhanh nhạy trong nắm bắt và phát động phong trào, ông đã đưa ra những hình mẫu thi đua có sức lan tỏa lớn để thu hút quần chúng làm theo, đó là các chuyện “Đại tướng và “Gió Đại Phong”, “Đại tướng phá “xiềng 3 sào”…

Đặc biệt, đó là một vị tướng có cách cư xử vô cùng giản dị, gần gũi cho nên có sức thuyết phục cao với người nông dân vì ông xuất thân từ nông dân, qua các chuyện “Cấy lúa thi” hay “Đại tướng thi vật tay ở Tòng Bạt”...

Chân dung vị Đại tướng còn được khắc họa qua bảy câu chuyện thể hiện tính nguyên tắc, sự kiên định lập trường “độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường” và sự mềm dẻo, khôn khéo trong hoạt động đối ngoại để tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, trong bối cảnh quan hệ quốc tế cực kỳ phức tạp giữa các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa.

Với hoạt động văn nghệ có 17 câu chuyện, phần lớn là từ hồi ức của các văn nghệ sĩ đã từng được gặp Đại tướng ở những tình huống, hoàn cảnh khác nhau và ông đã để lại trong họ những ký ức không bao giờ quên.

Đại tướng gắn bó với văn nghệ sĩ, luôn cổ vũ và thúc giục họ dùng ngòi bút làm vũ khí quan trọng để “xây dựng con người mới, truyền bá đạo đức mới, tư tưởng mới” (“Đặt hàng” văn nghệ sĩ viết về xây dựng chủ nghĩa xã hội, trang 201).

Là người yêu thích văn nghệ, ông đánh giá cao vai trò của tác phẩm văn học, nghệ thuật đối với người lính và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vì “văn nghệ không phải vật chất nhưng nó có sức mạnh hơn cả một sư đoàn” (Giao nhiệm vụ cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trang 205).

Ông hiểu tính đặc thù trong công việc của người nghệ sĩ, chia sẻ và bảo vệ họ như trong các chuyện Đêm quan họ “bão táp”, Nhà văn Phù Thăng và tiểu thuyết “Phá vây”..., vì thế Đại tướng được văn nghệ sĩ yêu mến, cảm phục và kính trọng.

Bên cạnh đó, chân dung của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã hiện lên trong ký ức của những người thầy, những người anh và đồng chí của ông qua những câu chuyện đời thường hết sức xúc động.

Đó là tình cảm chí nghĩa, chí tình giữa những người cùng vào sinh ra tử trong một đại gia đình lớn của các nhà cách mạng, cùng với nhân dân làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Đó là sự gắn bó, quan tâm, chăm sóc ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, nhà thơ Tố Hữu... dành cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và gia đình ông khi ông vào nam “tìm cách đánh Mỹ” và sau khi ông đã qua đời.

Đánh giá về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, có thể tóm tắt qua câu nói ngắn gọn của Bác Hồ: “Chú Thanh là một người thật thà, gan góc và kiên quyết”.

Chú Thanh là một người thật thà, gan góc và kiên quyết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong cuốn sách này, chúng ta còn được nghe nhiều câu chuyện về một vị Đại tướng của cuộc sống đời thường. Tác giả đã dành khá nhiều trang viết về mẹ Cúc (bà Nguyễn Thị Cúc, phu nhân Đại tướng), các con của Đại tướng và những người đồng đội ở ngôi nhà 34 Lý Nam Đế.

Một Đại tướng oai phong và hùng biện trước hàng vạn người, nhưng lại giản dị và gần gũi, luôn nặng lòng với gia đình, là tấm gương mẫu mực cho các con noi theo bằng lời dặn giản dị, như một châm ngôn “người khác sao thì mình vậy”.

Từ nguồn tư liệu của gia đình và mối quan hệ với những yếu nhân, những người gần gũi, thường xuyên làm việc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã biên soạn thành những câu chuyện riêng biệt, có độ tin cậy cao mà những người viết khác khó có thể làm được.

Tâm huyết tác giả là tâm huyết của một người con và một tướng quân, được thực hiện trong nhiều năm và nỗ lực hoàn thành vào giai đoạn cuối khi ông đã lâm bệnh nặng. Cuốn sách được xuất bản sau khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh qua đời tròn 100 ngày.

Trước đây đã từng có nhiều sách viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, về cuộc đời phong phú và oanh liệt của ông.

Câu chuyện về ông có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, nhưng trong Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chọn ra 99 câu chuyện với tâm nguyện: “Cuốn sách này không nhằm tô vẽ hình ảnh của ông (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) mà được làm ra với mong muốn độc giả, đặc biệt là những bạn trẻ, có thêm một góc nhìn khác, chân thực và gần gũi hơn về những con người thuộc thời đại Hồ Chí Minh”.