Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã thông tin những kết quả tích cực mà ngành tài chính đạt được trong năm 2023 về cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa; về các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Đáng chú ý, các chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10%; tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu… đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm công ăn, việc làm cho người lao động; đồng thời, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp-minh bạch-hiệu quả.
Ngay từ đầu năm 2023, ngành hải quan đã thực hiện 10 nhóm chỉ tiêu cải cách và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện; trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh: Mặc dù, gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023 nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan, kết quả thu ngân sách nhà nước đã đạt những kết quả tích cực. Đến ngày 14/12/2023, tổng thu ngân sách nhà nước đã đạt 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán.
Trong phần đối thoại trực tiếp, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tham gia hội nghị nêu một số vướng mắc về các lĩnh vực liên quan đến thuế, hải quan cần được tháo gỡ như:
Hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tối thiểu toàn cầu, hóa đơn điện tử, quy định nộp thuế tại địa phương đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, xử lý nợ thuế, hoàn thuế xuất, nhập khẩu, quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa, cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp chế xuất…
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có một số đề xuất chung khác liên quan đến việc rà soát, bảo đảm công bằng trong áp dụng chính sách thuế giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, việc kiểm tra theo các hình thức khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết năm 2024; xem xét phương thức hỗ trợ giải quyết thủ tục hoàn thuế mới; tăng cường các biện pháp phi thuế quan; về cơ chế liên thông giữa ngành thuế-hải quan với các cơ quan hành chính.
Sau khi lắng nghe, tiếp nhận các câu hỏi và ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các vụ, cục có mặt tại hội trường đã trực tiếp giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, ngoài những câu hỏi về những vấn đề được đề cập nêu trên, những vấn đề, những thắc mắc mà doanh nghiệp chưa rõ, chưa được giải đáp thì doanh nghiệp có thể gửi trực tiếp sau hội nghị đến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để được giải đáp kịp thời.
Cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024.
Trước mắt, sẽ khẩn trương xây dựng các giải pháp về thuế để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, các đối tượng gặp khó khăn. Song song với đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn.
Đồng thời, các lĩnh vực của ngành tài chính tiếp tục được đẩy mạnh hiện đại hóa, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.