Mô hình phát triển của Bình Dương: Điển hình của sự hội tụ những ý tưởng sáng tạo và khát vọng đổi mới

Sáng 13/12, tại Trung tâm hội nghị và Triển lãm tỉnh đã diễn ra Hội thảo khoa học "Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước". GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.
0:00 / 0:00
0:00
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Thưa các đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng được cùng với các đồng chí, các nhà khoa học tham dự Hội thảo khoa học: "Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước", do Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện nhiều ý nghĩa, nối tiếp sau khi chúng ta kỷ niệm trọng thể 25 năm chia tách, thành lập tỉnh Bình Dương nhằm lan tỏa niềm phấn khởi, tự hào, niềm tin và khơi dậy khát vọng phát triển.

Đặc biệt, hội thảo còn là dịp để tỉnh Bình Dương chia sẻ những kinh nghiệm đặc sắc và thực tiễn phát triển phong phú của mình phục vụ cho việc tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, chuẩn bị một bước cho việc xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Thay mặt Ban chỉ đạo Tổng kết 40 năm Đổi mới và Ban Tổ chức Hội thảo, tôi xin gửi đến các đồng chí, các nhà khoa học và quý vị đại biểu, lời chào thân ái và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thành công mới.

Thưa các đồng chí,

Bình Dương tuy không phải là một địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cũng không phải là địa phương có những cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay, nhưng Bình Dương lại được coi là nơi "đất lành chim đậu", là điểm đến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược; là mảnh đất có sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ đối với nguồn nhân lực có kỹ năng, có tinh thần đổi mới sáng tạo với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu và cả những người lao động cần cù, chịu khó với mong muốn nâng cao thu nhập, thoát khỏi đói nghèo.

Mô hình phát triển của Bình Dương: Điển hình của sự hội tụ những ý tưởng sáng tạo và khát vọng đổi mới ảnh 1

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Kế thừa, phát huy những nền tảng ban đầu của tỉnh Sông Bé, hơn 25 năm qua, Bình Dương đã đạt được những thành tựu phát triển toàn diện và nổi bật; vươn lên, trở thành một trong những tỉnh năng động, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội; một trong những cực tăng trưởng, trung tâm đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo của vùng Đông Nam Bộ; vùng động lực trong tứ giác phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước. Năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 117 lần so năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. An sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo, bảo đảm.

Các tiềm năng, thế mạnh về lịch sử, văn hóa, con người không ngừng được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ. Công tác bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên, đất đai và nguồn nước được triển khai đồng bộ, kịp thời. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều điểm mới. Trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại được chú trọng mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu.

Cần nhấn mạnh rằng, Bình Dương hiện là một trong những địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. Từ năm 1997 đến nay, hơn 2 triệu người đã chọn đến Bình Dương sinh sống và làm việc; và mảnh đất ấy đã không phụ lòng người, giúp họ hiện thực hóa "giấc mơ" và khát vọng đổi đời. Hôm nay, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp, thu nhập trung bình cao, đi trước 10 năm trong hoàn thành mục tiêu phát triển đặt ra cho cả nước vào năm 2030 và có tiền đề vững chắc để trở thành tỉnh phát triển hiện đại, thu nhập cao trước năm 2045.

Nhìn lại hơn một phần tư thế kỷ, Bình Dương thật sự đã trở thành một hình mẫu về sự bứt phá phát triển, điểm sáng trong cách thức phát huy lợi thế vị trí của một tỉnh sát gần một đô thị lớn; trong huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Nỗ lực vượt bậc để vươn lên đó là động lực và là nguồn cảm hứng to lớn, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng phát triển không chỉ trong mỗi người dân Bình Dương mà cho nhân dân cả nước về tư duy đột phá, mô hình độc đáo và cách làm sáng tạo của tỉnh trong tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.

Nhìn lại hơn một phần tư thế kỷ, Bình Dương thật sự đã trở thành một hình mẫu về sự bứt phá phát triển, điểm sáng trong cách thức phát huy lợi thế vị trí của một tỉnh sát gần một đô thị lớn; trong huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng

Thưa các đồng chí,

Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương là sự kết hợp thành công giữa khả năng khai thác, chắt chiu những lợi thế hiếm hoi, hoán chuyển được bất lợi thế thành lợi thế với một chiến lược phát triển đúng đắn để bứt phá, vươn lên; giữa khát vọng chinh phục những đỉnh cao phát triển với tầm nhìn vượt trước và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo; giữa chủ trương mở đường, cơ chế tạo thuận lợi của Trung ương được thể chế hóa, tích hợp và hội tụ với cách làm linh hoạt và sự vận dụng sáng tạo của địa phương; giữa sự đồng hành, chia sẻ của chính quyền với doanh nghiệp và người dân; giữa sự gắn kết chặt chẽ mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa...

Cách nay hơn một năm, tôi đã có dịp chia sẻ về những điều này tại Hội thảo: "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng". Chúng ta có thể có những cách hiểu, nhìn nhận và đánh giá khác nhau về mô hình phát triển của một địa phương. Tuy nhiên, những kỳ tích phát triển mà Bình Dương đạt được hôm nay chắc chắn không đơn giản là kết quả của việc áp dụng một mô hình lý thuyết mang tính trừu tượng. Về thực chất, đây chính là sự hội tụ, kết tinh những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, cụ thể đã được tổng kết, kiểm nghiệm là đúng từ thực tiễn phát triển của Bình Dương qua hơn một phần tư thế kỷ; và bởi vậy, nó có thể trở thành hình mẫu cho các địa phương khác tham khảo, vận dụng.

Từ góc nhìn đó, tại Hội thảo này, tôi xin bổ sung, nhấn mạnh thêm một số vấn đề mà theo tôi là then chốt đã làm nên sự thành công của mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước:

1. Đột phá, sáng tạo trong tư duy phát triển

Không có nhiều lợi thế như một số địa phương, nhưng với ý chí quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, Bình Dương đã khai thác triệt để lợi thế lớn nhất và cũng rất hiếm hoi có được là vị trí đắc địa nằm sát cạnh thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước. Tận dụng "lợi thế đi sau", "đứng bên cạnh và đi cùng người khổng lồ", Bình Dương đã tìm ra con đường "phát triển rút ngắn" hiệu quả, thu hút được nguồn vốn đầu tư, nguồn lao động dồi dào nhờ hiệu ứng kết nối và lan tỏa, để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; từng bước hình thành cách làm riêng "dựa vào các nhà đầu tư chiến lược làm đầu tàu kích hoạt", vươn ra thế giới và đạt được những thành tựu nổi bật.

Con đường phát triển của Bình Dương khắc họa sinh động quá trình không ngừng đổi mới tư duy, nhận thức và cách làm: từ chỗ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, những ngành sử dụng nhiều lao động trong buổi đầu; sau đó đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa; từ chỗ xây dựng các khu đô thị mới, hình thành Khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị đã ưu tiên có trọng tâm về phát triển các đô thị thông minh, sinh thái, từng bước nghiên cứu, đầu tư mô hình Khu công nghiệp-đô thị khoa học-công nghệ, Vùng đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những động lực mới, hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại trong tương lai.

2. Đột phá, đồng bộ trong quy hoạch phát triển

Bình Dương thuộc số ít các địa phương ở Việt Nam đã khai thác có hiệu quả các giá trị từ đất để đầu tư hạ tầng và tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội bằng việc xây dựng các khu công nghiệp, đô thị đồng bộ và quy mô. Cùng với việc quy hoạch các khu công nghiệp mới, dự án Thành phố mới Bình Dương ra đời từ rất sớm đã cho thấy tầm nhìn xa trong quy hoạch phát triển của tỉnh để giảm tải cho sự dồn nén về hạ tầng xã hội tại thành phố cũ ngay từ khi mới bắt đầu triển khai tiến trình công nghiệp hóa. Bình Dương cũng xây dựng Đề án phát triển thành phố thông minh từ khá sớm làm nền tảng để đẩy mạnh triển khai dự án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương".

Tôi được biết, dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng tổ chức không gian lãnh thổ Bình Dương trở thành Vùng đổi mới sáng tạo với cấu trúc gồm: 1 trục phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết và 5 phân vùng phát triển; đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, với Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối Tây Nguyên-Tây Nam Bộ; thông qua quy hoạch tỉnh, để tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp mô hình khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ lên một đẳng cấp vượt trội, từng bước thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn, đất đai và lao động có kỹ năng thấp; tiên phong khai thác, tận dụng xu hướng phát triển xanh, thông minh và hiện đại để thu hút các nguồn lực đầu tư có chất lượng cao, chú trọng thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước bảo đảm đầy đủ cả ba yếu tố: công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường và sử dụng lao động có kỹ năng.

3. Đột phá, hiện đại trong hệ thống kết cấu hạ tầng

Nhìn lại chặng đường đã qua, phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những ưu tiên cao nhất của Bình Dương nhằm thu hút được các nguồn lực đầu tư và lao động, qua đó tối đa hóa lợi thế địa-kinh tế của tỉnh. Từ những quyết sách mang tính đột phá buổi ban đầu như: đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường Quốc lộ 13, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm Bình Dương về sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn chỉ còn dưới một giờ đồng hồ, đến nay hạ tầng kết nối của Bình Dương đã phát triển cơ bản đồng bộ, hiện đại.

Diện mạo toàn tỉnh đã "thay da, đổi thịt", theo hướng đô thị hiện đại, nông thôn văn minh. Từ một tỉnh nông nghiệp, Bình Dương đã trở thành tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh thứ hai cả nước, với tỷ lệ đạt tới 84%. Năm 2019, 100% xã trong toàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023, Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp lọt vào Top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.

Cùng với quỹ đất được quy hoạch dài hạn, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, cơ bản hiện đại đã giúp Bình Dương trở thành điểm đến của các nhà đầu tư "tỷ đô", như dự án của Tập đoàn Lego. Với những nỗ lực đầu tư cho hạ tầng số, hạ tầng đô thị sinh thái và thông minh, có các dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường… đạt tiêu chuẩn cao, kết nối đồng bộ với Thành phố Hồ Chí Minh và những tỉnh lân cận, Bình Dương tiếp tục chứng tỏ là nơi hội tụ của các nhà đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

4. Đột phá, tiên phong trong cải cách thể chế và hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư

Bình Dương là một trong những địa phương đi tiên phong cả nước trong việc kết hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân nhờ sự mạnh dạn, quyết tâm gạt bỏ những rào cản để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng. Ngay từ buổi ban đầu, chính quyền địa phương đã đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc xây dựng những cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Bình Dương cũng là một trong những địa phương sớm có trung tâm hành chính tập trung và thực hiện thủ tục hành chính một cửa, đẩy mạnh số hóa. "Chung lưng đấu cật cùng doanh nghiệp", "Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư", "Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài" không chỉ là những lời kêu gọi mà đã thực sự là phương châm hành động cụ thể, được chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện hiệu quả, nhất quán trong nhiều năm qua, giúp Bình Dương trở thành nơi "đáng sống", "đất lành, chim đậu", nơi "đại bàng đẻ trứng".

Kinh nghiệm của Bình Dương cho thấy vai trò to lớn của các nhà đầu tư chiến lược đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Bình Dương là một trong những địa phương đi tiên phong cả nước trong việc kết hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân nhờ sự mạnh dạn, quyết tâm gạt bỏ những rào cản để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng

Như tôi đã từng chia sẻ, đó là Becamex IDC, mô hình công ty phát triển rất thành công, đóng vai trò quan trọng định hình tiến trình phát triển của Bình Dương trong hơn một phần tư thế kỷ qua mà đến nay chưa có tập đoàn kinh tế nào làm được ở những địa phương khác trong cả nước. Đó còn là VSIP, mô hình doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đầu tiên hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Singapore, với VSIPIII đã trở thành hình mẫu về phát triển khu công nghiệp xanh gắn liền với định hướng tạo lập hệ sinh thái công nghiệp-công nghệ cao.

Thưa các đồng chí,

Mô hình phát triển của Bình Dương chính là sự kết hợp một cách hài hóa, linh hoạt và sinh động của nhiều cấu phần mang tính đột phá nói trên. Đó là: mô hình công ty phát triển Becamex IDC, mô hình Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP); mô hình Thành phố thông minh Bình Dương; mô hình Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ thông minh, bền vững; mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ quốc tế-đổi mới sáng tạo-khoa học công nghệ; cùng với nhiều thiết chế, thể chế, cách làm độc đáo, như: chính quyền kiến tạo, nhân dân đồng hành, doanh nghiệp hành động; liên kết "Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp", "Nhà nước-Nhà doanh nghiệp-Nhà khoa học"… đưa Bình Dương không chỉ là nơi gặp gỡ của văn hóa, con người mà thực sự đã trở thành nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo và khát vọng đổi mới.

Nhìn lại hơn 25 năm qua, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa đã mang lại những dấu ấn nổi bật trong kỳ tích phát triển của Bình Dương. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không hề nhỏ, mà nổi bật là phải vượt qua được tâm lý bằng lòng với thành công đã đạt được, nhưng quan trọng hơn là phải vượt qua được "bẫy năng suất" và "bẫy thu nhập trung bình" trong giai đoạn hậu phát triển công nghiệp. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm lớn hơn trước bội lần bởi chúng ta đều biết, việc hái quả ngọt trên cành cao sẽ khó khăn hơn rất nhiều ở dưới thấp; chưa kể bối cảnh phát triển của thế giới, khu vực và trong nước đang đứng trước nhiều thách thức.

Cũng cần nói thêm rằng, trong nhiều yếu tố dẫn đến sự phát triển thành công của Bình Dương, quan trọng và quyết định nhất là bảo đảm và phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của địa phương trong sạch, vững mạnh, toàn diện; xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị cơ sở; quán triệt sâu sắc và tuân thủ các nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trong nhiều yếu tố dẫn đến sự phát triển thành công của Bình Dương, quan trọng và quyết định nhất là bảo đảm và phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của địa phương trong sạch, vững mạnh, toàn diện; xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị cơ sở; quán triệt sâu sắc và tuân thủ các nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng

Đây là bài học kinh nghiệm quý báu, là cơ sở để tỉnh đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, đột phá, sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển, huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực; tạo lập niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân.

Tôi tin tưởng rằng, kế thừa và phát huy những hạt nhân hợp lý của mô hình phát triển trong giai đoạn vừa qua, những hướng đi đúng đắn đang được triển khai, phát huy tinh thần đột phá, đổi mới sáng tạo, Bình Dương sẽ tiếp tục xác định và đề ra những chủ trương, chính sách vượt trội mới để xác lập mô hình phát triển mới, nền tảng phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo.

Với tinh thần khoa học, dân chủ, sáng tạo, thẳng thắn, tôi tin tưởng rằng Hội thảo của chúng ta sẽ có nhiều ý tưởng, kiến nghị, đề xuất thiết thực, có giá trị, vì sự phát triển của tỉnh Bình Dương, vì sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Một lần nữa, xin chúc các đồng chí, các nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nhân và toàn thể quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.