Hậu Giang: Đẩy mạnh khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo

Chiều 13/12, trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo”.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên thảo luận tại Hội thảo.
Phiên thảo luận tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế, các nhà xây dựng, hoạch định chính sách, chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp, hội, hiệp hội liên quan đến ngành hàng lúa gạo, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong lúa gạo tại Việt Nam và trên thế giới, gồm: Hệ thống canh tác tối ưu thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, giống mới kháng sâu bệnh, chống chịu hạn, mặn, năng suất, chất lượng, phát thải thấp và đáp ứng thị trường.

Quy trình canh tác tiên tiến thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, giảm vật tư đầu vào; cơ giới hóa trong quá trình sản xuất đồng bộ và phù hợp chuỗi giá trị; giảm tổn thất trong thu hoạch và sau thu hoạch; các công nghệ tạo các sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo; sản phẩm từ phụ phẩm rơm rạ, sản phẩm vật tư đầu vào; và nông nghiệp tuần hoàn từ phụ phẩm tăng giá trị, bền vững, và sản phẩm xanh, sạch.

Thúc đẩy ứng dụng nhóm giải pháp công nghệ theo chuỗi sản xuất lúa gạo để góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững, phát thải thấp và nâng cao thu nhập cho người nông dân là mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, ngành hàng lúa gạo đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp gia tăng, cùng với biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, gây thiệt hại lớn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp, do đó không tạo được động lực để người dân đầu tư phát triển sản xuất lúa gạo. Việc sử dụng nhiều tài nguyên và lạm dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật trong thâm canh sản xuất lúa gạo gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường.

Vì vậy, để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững rất cần đẩy mạnh việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và nhân rộng các đổi mới sáng tạo hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Hậu Giang: Đẩy mạnh khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo ảnh 2

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) ký kết biên bản ghi nhớ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia của Việt Nam, Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế IRRI và Nhật Bản cùng chia sẻ về những nghiên cứu đột phá, sáng tạo mới, những sáng kiến mới để phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững quy mô quốc tế và khu vực.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển và mở rộng quy mô các công nghệ mới và đổi mới sáng tạo cho ngành lúa gạo tại Việt Nam.