Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII

Ngày 4/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Quang cảnh hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, cán bộ chủ chốt các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong toàn hệ thống chính trị và đông đảo cán bộ, đảng viên.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) kết nối tới 16.242 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị ở Trung ương và các địa phương trên toàn quốc; có 1.441.261 lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tham dự nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết.

Nội dung các chuyên đề được quán triệt tại Hội nghị tập trung vào những vấn đề cốt lõi, những điểm mới của các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết này ở địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện, chương trình hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Trong phiên làm việc buổi sáng của Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã truyền đạt chuyên đề: "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".

Thông qua nội dung chuyên đề, các đại biểu được tiếp cận một cách đầy đủ, toàn diện và hệ thống Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023, trong đó nội hàm của đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng và làm rõ hơn, nhấn mạnh tới sự đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, cộng đồng dân tộc, tôn giáo, người Việt trong nước, ngoài nước và giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ảnh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Để phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết, phải gắn đoàn kết toàn dân tộc với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Đảng giữ vai trò quan trọng nhất; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sáng tạo của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới" đã làm rõ nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ảnh 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Cụ thể, Nghị quyết đã chuyển đổi cách tiếp cận từ “bảo đảm và ổn định” sang “ổn định và phát triển”; kết hợp hài hòa giữa tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội khác để ổn định xã hội. Tập trung cho phát triển, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tầng lớp trung lưu gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững. Giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, chăm lo con người và vì con người. Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội. Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Đổi mới công tác quản lý Nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân. Động viên sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp, khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường, phát huy truyền thống, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ảnh 3

Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang truyền đạt chuyên đề "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới". (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Buổi chiều, các đại biểu nghe Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng truyền đạt chuyên đề: "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", qua đó quán triệt tinh thần luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; dựa vào dân, lấy "dân là gốc", khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hoá, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân", lấy "yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ảnh 4

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới". (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương truyền đạt chuyên đề: "Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới".

Đồng chí nêu rõ, Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 đã kế thừa Nghị quyết số 27-NQ/TW về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và bổ sung, làm rõ hơn nội hàm trí thức về trình độ, phẩm chất đạo đức, cống hiến; về vị trí vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức. Nghị quyết số 45 định hướng rõ quan điểm xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia"; chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận; động viên đội ngũ trí thức Việt Nam nêu cao lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã truyền đạt một số nội dung hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII, trong đó nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền về vị trí, vai trò quan trọng của trí thức; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức; tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ảnh 5

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền văn kiện Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII thường xuyên, sâu rộng hơn nữa ở các cấp trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân; nhất là các nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc, bế mạc Hội nghị này; tập trung làm rõ, làm sâu sắc để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các nghị quyết.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các cơ quan, ban Đảng Trung ương, các bộ, ngành sớm chỉ đạo, phối hợp cụ thể hóa nội dung các văn kiện, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở hành lang pháp lý để thực thi nghị quyết trong thực tiễn, đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhanh và bền vững, củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ảnh 6

Các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Ngay sau Hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng khẩn trương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể, tổ chức thực hiện quan điểm chỉ đạo của nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình rõ ràng, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Bố trí, ưu tiên các nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu chương trình hành động; chú ý tập trung nguồn lực cho các khâu mang tính đột phá, ứng dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học-công nghệ, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, để việc tổ chức thực hiện không còn là khâu yếu, các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết. Chú trọng chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm; vừa nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả, vừa tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở cho việc điều chỉnh nghị quyết trong thực tiễn. Nghị quyết đúng, trúng mà chỉ đạo tổ chức thực hiện không tốt, không quyết liệt thì kết quả cũng sẽ không tốt.

Hằng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện chương trình hành động, kế hoạch đã đề ra, làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị theo từng năm và cả nhiệm kỳ của các tập thể, cá nhân.