Buổi sáng, với 465 đại biểu tán thành, chiếm 94,13% tổng số đại biểu, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Tránh “khoảng trống pháp luật” trong đấu giá tài sản
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðấu giá tài sản. Theo một số đại biểu, các luật chuyên ngành có liên quan cần được rà soát kỹ để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, tránh những khoảng trống pháp luật khi dự thảo luật không điều chỉnh mà các luật chuyên ngành cũng không điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, chưa thống nhất.
Liên quan việc xác định giá khởi điểm để đấu giá, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng: Cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong mối quan hệ chặt chẽ với các quy định của pháp luật khác trong lĩnh vực quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công, quản lý tài sản bảo đảm, tịch thu tài sản thi hành án và trách nhiệm dân sự.
Nhấn mạnh hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói là hình thức tốt, phù hợp thông lệ quốc tế, chứng minh được ưu thế vượt trội, đại biểu cho rằng, để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong đấu giá, chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá bằng lời nói và đấu giá trực tiếp.
Cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong mối quan hệ chặt chẽ với các quy định của pháp luật khác trong lĩnh vực quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công, quản lý tài sản bảo đảm, tịch thu tài sản thi hành án và trách nhiệm dân sự.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau)
Ðấu giá tài sản thi hành án cũng là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận.
Ðại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho biết, dự thảo luật hiện nay chưa có quy định thủ tục riêng cho việc đấu giá tài sản thi hành án; đề nghị cần nghiên cứu quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án trong dự thảo luật.
Phát triển công nghiệp quốc phòng-an ninh và động viên công nghiệp
Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và tiến hành biểu quyết thông qua luật này, với kết quả 386/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 78,14%).
Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, với kết quả biểu quyết điện tử gồm 464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,93%).
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ðiều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7. Tại phiên thảo luận, ngoài vấn đề quan tâm và bốn nhóm vấn đề gợi ý thảo luận nêu tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu cho ý kiến làm rõ thêm một số vấn đề về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (Ðắk Nông) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các luật hiện hành, các dự án luật mà Quốc hội đang xem xét thông qua để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo. Ðại biểu cho rằng: Có nhiều nội dung của dự án luật chưa phù hợp pháp luật liên quan như miễn, giảm thuế, hỗ trợ ngân sách các quỹ của doanh nghiệp; vấn đề quỹ phát triển khoa học-công nghệ, trích trước thuế, sau thuế… Do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ những nội dung không phù hợp, có báo cáo cụ thể để đại biểu Quốc hội tham khảo…
Về nội dung giao nhiệm vụ đặt hàng đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng, nòng cốt và cơ sở công nghiệp an ninh cơ bản, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị rà soát lại có một số nội dung quy định chưa thật sự tách bạch việc đặt hàng sản xuất quốc phòng và đặt hàng sản xuất sản phẩm an ninh; đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ sản xuất và đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh. Cần quy định cụ thể những sản phẩm nào thì giao nhiệm vụ sản xuất, đặt hàng sản phẩm nào thì đấu thầu và cơ chế để thực hiện để bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định…
Tại hội trường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tiếp thu ý kiến phát biểu góp phần hoàn thiện dự thảo luật; đồng thời làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng nhấn mạnh, để giải quyết mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng an ninh với động viên công nghiệp và một số chính sách cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đối tượng động viên công nghiệp là các doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang, trong đó xác định phát triển công nghiệp dân sinh phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội là chủ yếu. Dự thảo luật cũng đề ra chính sách mở rộng đối tượng phạm vi quy định điều kiện, phương thức, cơ chế để động viên; việc tham gia là trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp dân sinh đối với nhiệm vụ quốc phòng, đặc biệt khi đất nước có tình huống xảy ra.
Ban soạn thảo cần bổ sung quy định tất cả các thủ tục, trình tự đấu giá, tài sản đấu giá, giá khởi điểm… đều phải được gửi và đăng công khai trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Trường hợp thiếu bất kỳ thông tin nào sẽ là căn cứ để hủy bỏ kết quả đấu giá.
Ðại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Ðối với việc “liên doanh, liên kết trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh”, đề nghị cần làm rõ các loại hình liên doanh, liên kết cụ thể trong sản xuất sản phẩm, dịch vụ, thương mại, phát triển kinh tế-xã hội.
Ðại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương)