Báo cáo tại buổi làm việc nêu rõ, trong những năm qua, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh Bắc Giang đã phát động các phong trào thi đua sâu rộng, triển khai nhiều nội dung chương trình thi đua nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng theo tinh thần đổi mới.
Công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định, chất lượng được nâng lên; chú trọng hơn việc khen thưởng thành tích chuyên đề, đột xuất, khen khu vực kinh tế ngoài nhà nước, khen công tác đóng góp xã hội từ thiện; khen đối ngoại; khen thưởng công nhân, nông dân và người lao động trực tiếp (đạt hơn 70%). Tỉnh không còn tồn đọng khen thưởng thành tích kháng chiến.
Tuy nhiên, phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; khen thưởng thành tích đột xuất chưa nhiều; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua-khen thưởng mỏng, thiếu ổn định, kiêm nhiệm nhiều công việc, cho nên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân biểu dương những thành tích Bắc Giang đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ với những tồn tại, khó khăn của tỉnh cả trong công tác thi đua-khen thưởng và trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Thời gian tới, Bắc Giang cần phát huy những thành tích đã đạt được; có kế hoạch và phương án cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu, đồng thời tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Gắn công tác thi đua-khen thưởng với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, trong đó cần tập trung nguồn lực vào những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững; phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, kịp thời giải quyết bức xúc trong nhân dân, tạo đồng thuận trong xã hội.
Tỉnh cần tiếp tục đổi mới công tác thi đua-khen thưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; tránh phô trương, hình thức, tiêu cực.
Đối với phong trào thi đua, tỉnh cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ đánh giá, kiểm tra, giám sát.
Đối với các phong trào thi đua của Trung ương, tỉnh nên chọn các phong trào thi đua phù hợp với địa phương, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Đối với công tác khen thưởng, tỉnh cần tiếp tục đổi mới, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, khen đúng người, đúng việc, kịp thời và tạo tính lan tỏa cao.