Theo tính toán của EVN, ước cả năm 2023, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 280,6 tỷ kW giờ, tăng 4,6% so với năm 2022; sản lượng điện thương phẩm năm 2023 ước đạt 248,5 tỷ kW giờ, bằng 98,9% kế hoạch năm và tăng 2,38% so với năm 2022.
Chủ động xây dựng các kịch bản
Lãnh đạo EVN cho biết, Tập đoàn đã tính toán cân đối cung-cầu điện và đánh giá khả năng bảo đảm cung ứng điện năm 2024 với 2 phương án tăng trưởng nhu cầu điện, theo đó, đối với Phương án phụ tải cơ sở: với mức tăng trưởng GDP năm 2024 dự kiến 6,5%, dự báo nhu cầu điện năm 2024 là 298,04 tỷ kW giờ, tăng gần 6%; nhu cầu công suất lớn nhất (Pmax) là 50.056 MW, tăng 8% so với năm 2023. Đối với Phương án phụ tải cao: Để chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo đảm cung ứng điện trong trường hợp kinh tế hồi phục và tăng trưởng cao, dự kiến nhu cầu điện 306,36 tỷ kW giờ, tăng 8,96%, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn năm 2021-2025 tại Quy hoạch điện VIII; nhu cầu công suất lớn nhất (Pmax) 51.910 MW, tăng 12% so với năm 2023.
EVN phối hợp Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tham khảo các dự báo cho năm 2024; tính toán và kiểm tra việc bảo đảm cung ứng điện theo 2 kịch bản lưu lượng nước gồm: Tần suất nước 65%, tương ứng với các năm nước về bình thường; tần suất nước 75%, tương ứng với các năm nước về kém.
Kết quả cho thấy, với Phương án phụ tải cơ sở (6%) và lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường (tần suất 65%), hệ thống bảo đảm cung ứng điện trên cả nước; trong đó, sẽ huy động các nguồn thủy điện 86,5 tỷ kW giờ, các nguồn nhiệt điện than 150,7 tỷ kW giờ; các nguồn điện khí 15,3 tỷ kW giờ, năng lượng tái tạo 40,2 tỷ kW giờ, nhập khẩu 4,5 tỷ kW giờ; nguồn điện khác 0,8 tỷ kW giờ. Tổng sản lượng nguồn điện cần huy động cả năm 2024 là 298,04 tỷ kW giờ.
Với Phương án phụ tải cao (8,96%), về cơ bản hệ thống điện quốc gia đáp ứng nhu cầu điện; trong đó, sẽ huy động các nguồn thủy điện 86,5 tỷ kW giờ, các nguồn nhiệt điện than 158,6 tỷ kW giờ, các nguồn điện khí 15,7 tỷ kW giờ, năng lượng tái tạo 40,2 tỷ kW giờ, nhập khẩu 4,5 tỷ kW giờ, nguồn điện khác 0,8 tỷ kW giờ. Tổng sản lượng nguồn điện cần huy động cả năm 2024 là 306,4 tỷ kW giờ, cao hơn 8,4 tỷ kW giờ so với Phương án phụ tải cơ sở (tăng thêm 7,9 tỷ kW giờ từ nhiệt điện than và 0,4 tỷ kW giờ từ nguồn điện khí).
Phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ
Để bảo đảm cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, EVN đã chủ động và nỗ lực triển khai các giải pháp, theo đó, vào các thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, phụ tải tăng cao, EVN sẽ quyết liệt triển khai việc điều hành dịch chuyển nhu cầu phụ tải giữa các giờ cao điểm, tích nước và giữ ở mực nước cao các hồ thủy điện đến cuối mùa khô để bảo đảm công suất khả dụng nguồn điện.
Đến nay, EVN đã khắc phục sự cố và đưa vào vận hành tổ máy bị sự cố dài ngày như S6 - Nhiệt điện Phả Lại 2; phối hợp với các chủ đầu tư khác để đưa vào vận hành các tổ máy bị sự cố dài ngày như S1 - Nhiệt điện Vũng Áng 1, S2 - Nhiệt điện Cẩm Phả 1, S2 - Nhiệt điện Nghi Sơn 2; huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền trung ra bắc để bảo đảm tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất vào cuối năm 2023, chuẩn bị cho phát điện mùa khô năm 2024; thực hiện thanh, kiểm tra và sửa chữa các tổ máy để bảo đảm độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy do Tập đoàn và các đơn vị thành viên quản lý (hiện chiếm khoảng 37% tổng công suất lắp đặt của hệ thống); có phương án chuẩn bị để khắc phục nhanh nhất các sự cố nguồn điện trong phạm vi quản lý, bảo đảm các nhà máy đủ khả năng hoạt động tối đa công suất; khắc phục tình trạng suy giảm công suất các tổ máy do yếu tố nhiệt độ môi trường, nước làm mát, thủy triều xuống thấp.
Tháng 10/2023, EVN ký biên bản thống nhất với Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc bảo đảm cung cấp đủ than theo nhu cầu huy động các nhà máy nhiệt điện của EVN và các tổng công ty phát điện (GENCO). EVN cũng đã làm việc với PVN, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) để có phương án tăng thêm lượng khí cấp bù thêm cho các nhà máy nhiệt điện khu vực Đông Nam Bộ trong năm 2024. EVN cũng đã phê duyệt kế hoạch sửa chữa các tổ máy năm 2024, trong đó không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện khu vực phía bắc trong các tháng 5 đến 7/2024 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền bắc.
Trong tháng 9 vừa qua, EVN đàm phán với các đối tác để tăng thêm công suất nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, trong đó Tập đoàn đã đàm phán với Công ty Lưới điện Phương Nam (CSG/YNIC) để tăng thêm sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc về khu vực phía bắc với công suất khoảng 515 MW, sản lượng dự kiến khoảng 1,6 tỷ kW giờ; đàm phán với Tổng công ty Điện lực Lào, các chủ đầu tư nguồn điện tại Lào để đẩy nhanh các dự án nguồn điện tại Lào bán về Việt Nam.
EVN cũng tập trung tối đa nguồn lực để khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các đường dây 500 kV từ Quảng Trạch đến Phố Nối gồm 4 dự án thành phần, phấn đấu khởi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 782/CĐ-TTg. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Dự án Đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa. Do đó, EVN đang khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để khởi công đồng loạt các gói thầu của các dự án trong tháng 11 và 12/2023.
EVN cũng đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có phương án sử dụng tiết kiệm, hiệu quả lượng nước xả từ các hồ thủy điện phục vụ đổ ải vụ đông xuân 2023-2024, trong đó sẽ tiết kiệm và giữ ở mức 3,5 tỷ m³ như đã thực hiện năm 2023; đồng thời làm việc với các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các hộ tiêu thụ điện lớn để tiếp tục đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục lập các phương thức vận hành tháng, tuần, ngày với mục tiêu bảo đảm đủ điện và giữ mực nước các hồ thủy điện khu vực phía bắc ở mức xấp xỉ mực nước dâng bình thường; khai thác tối ưu các nhà máy thủy điện miền trung và miền nam do điều kiện thủy văn thuận lợi; tăng cường giám sát công tác vận hành hệ thống điện để có các giải pháp bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy, ổn định hệ thống điện.