Xây dựng nông thôn mới “không có điểm kết thúc” ở Thái Bình

Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh Thái Bình trong nhiều năm qua. Là một trong những địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới rất sớm của cả nước (năm 2019), cho đến nay Thái Bình đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn hóa thôn Thượng, xã An Thanh (huyện Quỳnh Phụ) được đầu tư xây dựng mới với kinh phí hơn 6 tỷ đồng.
Nhà văn hóa thôn Thượng, xã An Thanh (huyện Quỳnh Phụ) được đầu tư xây dựng mới với kinh phí hơn 6 tỷ đồng.

Những ngày đầu tháng 11 này, chúng tôi có dịp về thăm xã An Thanh (huyện Quỳnh Phụ). Đây là một trong ba xã của huyện sắp được tỉnh thẩm định để công nhận nông thôn mới nâng cao. Là xã có quy mô dân số nhỏ với hơn 5.000 hộ, trên địa bàn không có khu, cụm công nghiệp; ngành nghề phụ lại không nhiều nhưng tập thể lãnh đạo xã An Thanh đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó, nhất là được sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân cho nên đến nay tất cả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao đã hoàn thành.

Ông Chu Công Dượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Thanh hồ hởi nói: Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiêu chí khó nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Xã đã tranh thủ hỗ trợ của tỉnh, huyện cộng với nguồn thu từ quy hoạch đất đai ở địa phương và sự đóng góp của nhân dân để hoàn thành các tuyến đường giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ. Nổi bật là phong trào nhân dân hiến đất để làm đường.

Chỉ trong thời gian ngắn, bà con bốn thôn trong xã tự nguyện hiến khoảng 10 nghìn mét vuông đất để làm 4 km đường xã và đường huyện ĐH 72C. Bên cạnh đó, Trường tiểu học và trung học cơ sở An Thanh cũng được xã đưa vào diện đầu tư trọng điểm để nâng cấp đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ngôi trường được xây mới 18 phòng học, một khu nhà hiệu bộ và xóa hai phòng học nhà cấp 4 với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng.

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng và có tính chất quyết định trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, An Thanh đang xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao lúa nếp Tam Xuân. Đây là giống lúa truyền thống ở địa phương với chất lượng gạo dẻo, thơm hơn các loại nếp khác, có thể xuất khẩu được. Năm 2022, An Thanh đã tiêu thụ được 20 tấn nếp Tam Xuân ra thị trường Hải Phòng, Hải Dương và vào các khu công nghiệp. Hiện địa phương đang duy trì khoảng 50 ha trồng giống lúa bản địa quý hiếm này và trong tương lai diện tích gieo cấy sẽ còn được mở rộng thêm.

Tại xã Bình Định (huyện Kiến Xương), đây là xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới không những của huyện mà là điển hình của tỉnh Thái Bình. Mặc dù, không được chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới nhưng với quyết tâm, sự chủ động, không trông chờ, ỷ lại, năm 2013 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc nhóm dẫn đầu của tỉnh. Đến năm 2021, Bình Định tiếp tục cán đích nông thôn mới nâng cao và quyết tâm đến năm 2025 đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Ðịnh Bùi Ngọc Trìu khẳng định: Trong xây dựng nông thôn mới hay bất cứ lĩnh vực nào, vai trò của đội ngũ cán bộ là rất quan trọng. Do vậy phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ này có đủ trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, địa phương phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, năng động trong công việc, dám nghĩ, dám làm, chủ động đối thoại với nhân dân để tìm tiếng nói chung, sự đồng thuận. Và điều tiên quyết để đi đến thành công của mọi phong trào, mọi cuộc vận động là phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của nhân dân. Người dân tự làm là chính và cũng là người được hưởng lợi, Nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo cú huých, tạo động lực.

Với tư duy đổi mới, dám làm và dám chịu trách nhiệm, xã Bình Ðịnh trở thành điểm sáng của tỉnh Thái Bình trong nhiều phong trào, nhiều hoạt động hướng đến đối tượng thụ hưởng là người dân. Ðiển hình là mô hình Khu dân cư tự quản, đây là mô hình mới chỉ có tại xã Bình Ðịnh. Thông qua đó, các khu dân cư tự quản đã quyên góp, vận động hơn 100 tỷ đồng; huy động hơn 42 nghìn ngày công, tự nguyện hiến đất thổ cư, cổng dậu và các công trình khác trị giá gần 10 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, xã còn xây dựng quỹ hỗ trợ cho cán bộ không hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước theo hình thức xã hội hóa, trong đó có gần 200 tổ trưởng, tổ phó các khu dân cư tự quản, với số tiền gần 100 triệu đồng mỗi năm. Sau hơn 5 năm triển khai, hiện nay xã Bình Ðịnh đã có 98 khu dân cư tự quản hoạt động đều đặn, nền nếp.

Đây là hai mô hình tiêu biểu của tỉnh Thái Bình trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu đến thời điểm này. Mỗi địa phương đều có cách làm riêng, phù hợp với điều kiện thực tế của mình, phát huy được những lợi thế căn bản để hoàn thành tốt các tiêu chí của Trung ương và của tỉnh đề ra.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình Đỗ Quý Phương cho biết: Sau khi tỉnh Thái Bình đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu bị tác động không nhỏ bởi diễn biến của đại dịch Covid-19 kéo dài trong hơn ba năm. Nhưng trong hai năm gần đây, phong trào đã khởi sắc trở lại với một loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh được ban hành và đi vào thực tiễn, nhất là trên lĩnh vực phát triển sản xuất.

Có thể kể đến việc hỗ trợ cho nông dân mua hơn 600 máy cấy các loại và bốn lò sấy với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Hay như cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất cho các hợp tác xã, trong đó có hỗ trợ đầu tư hạ tầng, máy móc; hỗ trợ làm tem nhãn sản phẩm... Trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, tỉnh Thái Bình còn hỗ trợ “Thắp sáng đường quê” tại các tuyến đường trục xã, trục thôn qua khu dân cư. Theo đó, tuyến đường trục xã được hỗ trợ 25 triệu đồng/km, đường trục thôn hỗ trợ 20 triệu đồng/km.

Thông qua chủ trương này, đã có hơn 130 xã đăng ký với hơn 1.200 km góp phần thay đổi hẳn diện mạo nông thôn, giải quyết được vấn đề an toàn giao thông, nhất là về ban đêm cũng như bảo đảm an ninh trật tự. Trong tổng số hơn 620 tỷ đồng Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn này, Thái Bình đã dành phần lớn kinh phí để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất. Điển hình là việc tập trung xây dựng vùng sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn, tỉnh hỗ trợ giao thông nội đồng, thủy lợi nội đồng, cấp mã vùng trồng và xây dựng hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp.

Đến nay, Thái Bình đã có 26 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hiện nay có thêm năm xã được đoàn thẩm định của tỉnh đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Bình quyết định hỗ trợ 20 tỷ đồng cho huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; ba tỷ đồng cho xã đạt nông thôn mới nâng cao và năm tỷ đồng cho xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.