Lạng Sơn quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Từ đầu năm đến tháng 10/2023, các lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm... Các lực lượng đã kiểm tra, xử lý vi phạm 4.675 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, tăng hơn 31% so với cùng kỳ; trong đó đã khởi tố 339 vụ, với 497 đối tượng...
0:00 / 0:00
0:00
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn, phối hợp Ðội 389 của tỉnh và huyện Lộc Bình phát hiện, thu giữ hơn 4.800 con gà giống nhập lậu.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn, phối hợp Ðội 389 của tỉnh và huyện Lộc Bình phát hiện, thu giữ hơn 4.800 con gà giống nhập lậu.

Ðặc biệt, từ tháng 7 đến nay, trên địa bàn thuộc khu vực cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình), tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào địa bàn tiêu thụ diễn biến phức tạp, cần được ngăn chặn.

Buôn lậu với nhiều thủ đoạn tinh vi

Trong thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua các đường mòn biên giới của tỉnh Lạng Sơn cơ bản được kiểm soát. Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không để hình thành các đường dây, tụ điểm buôn bán, vận chuyển, chứa chấp hàng lậu quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng xuất lậu hàng hóa là thực phẩm bảo quản đông lạnh (chân gà, chân lợn, thịt trâu, thịt bò,...) không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ khu vực nội địa vận chuyển đến các xã biên giới các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Ðịnh... theo các đường mòn qua biên giới sang Trung Quốc.

Các đối tượng buôn lậu lợi dụng đêm tối, giờ giao ca của lực lượng chức năng khu vực biên giới để mang vác hàng hóa nhỏ lẻ qua các khu vực hàng rào biên giới về các thôn, bản thuộc địa bàn các xã biên giới, sau đó vận chuyển bằng xe máy theo các tỉnh lộ, Quốc lộ 1A về các tỉnh tiêu thụ. Các đối tượng rất manh động, thậm chí còn đâm xe vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Ðiển hình ngày 9/9, Công an huyện Văn Lãng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ba đối tượng trú tại tỉnh Hưng Yên, về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Trước đó ngày 28/8, tổ công tác Công an huyện Văn Lãng cùng Công an xã Tân Thanh tiến hành kiểm tra kho hàng hóa tại Khu I, xã Tân Thanh (Văn Lãng), phát hiện nhiều hàng hóa đang để ở kho kèm theo hóa đơn có địa chỉ người bán tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc. Các đối tượng Vũ Thị Phượng và Phạm Văn Tùng khai nhận đã mua tổng cộng 75 hóa đơn bán hàng điện tử của Lộc Thị Thúy nhằm hợp thức hóa, số hàng hóa thu mua ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh để bán cho khách mua hàng qua mạng. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ việc mua bán trái phép hóa đơn của Tùng và Phượng là hơn 6,7 tỷ đồng...

Cùng với lực lượng Công an, lực lượng Hải quan tỉnh cũng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hồng Linh, trong hoạt động xuất, nhập khẩu các đơn vị của Cục Hải quan tỉnh đã phát hiện một số doanh nghiệp thực hiện các hành vi khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện nhập khẩu. Dự báo trong thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp tại các cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý của Cục.

Tại địa bàn nội địa, Ðại tá, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn Thái Hồng Công cho biết: Ban Giám đốc tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, nhất là các huyện biên giới tăng cường lực lượng cho các đơn vị ở địa bàn trọng điểm, quyết liệt triển khai các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát; phát hiện và xử lý triệt để các đường dây, tụ điểm, các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng lậu, gia cầm giống trên địa bàn; phát hiện, đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên không gian mạng, tập trung phát hiện các tài khoản cá nhân, các trang thông tin, fanpage trên các trang mạng xã hội mà các đối tượng sử dụng để quảng bá, thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm; tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông, hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu trên các tuyến đường giao thông...

Xóa điểm “nóng” về gia cầm nhập lậu

Theo Ban Chỉ đạo 389 huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), từ cuối tháng 9/2023 đến nay, các đối tượng buôn lậu gia cầm giống đã gia tăng tần suất vận chuyển, cũng như số lượng gia cầm giống qua địa bàn. Lợi dụng đêm tối, các đối tượng phá rào, gánh từng lồng đựng gia cầm giống vào địa phận các xã giáp biên như Yên Khoái, Tú Mịch (huyện Lộc Bình), khi tới địa điểm tập kết thì cho lên xe máy vận chuyển ra ô-tô đón sẵn tại một số tuyến đường để tiếp tục đưa vào sâu trong nội địa.

Các đối tượng buôn lậu vận chuyển trái phép gia cầm giống qua biên giới để đưa vào nội địa tiêu thụ. Chúng còn cắt cử người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để lẩn tránh và chủ yếu hoạt động từ khoảng nửa đêm đến rạng sáng...

Trung tá Nguyễn Ðức Bính, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Chi Ma

Ðể ngăn chặn, Ðồn Biên phòng Chi Ma đã tăng cường lực lượng thực hiện tuần tra khép kín tuyến biên giới do đơn vị phụ trách. Ðồng thời, đồn phối hợp các lực lượng hải quan, công an, quản lý thị trường tổ chức tuần tra trên địa bàn các xã biên giới để ngăn chặn, triệt phá những điểm tập kết gia cầm giống. Với những giải pháp đó, từ đầu tháng 8 đến ngày 10/10, Ðồn Biên phòng Chi Ma đã phát hiện xử lý 13 vụ, thu giữ gần 23 nghìn con gà giống, vịt giống nhập lậu.

Ngoài lực lượng Bộ đội Biên phòng, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma cũng tăng cường hoạt động ngăn chặn các đối tượng vận chuyển gia cầm nhập lậu trái phép qua địa bàn. Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma Nguyễn Bảo Ngọc, thông tin: Chi cục đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm giám sát phương tiện qua lại khu vực cửa khẩu, qua đó kịp thời phát hiện những lồng gia cầm nhập lậu được giấu trong các công-ten-nơ hàng tái nhập qua cửa khẩu. Ngoài những vụ việc bắt giữ, ngăn chặn vận chuyển gia cầm nhập lậu cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, từ ngày 24/9 đến 10/10, Chi cục đã phát hiện bốn vụ vận chuyển gia cầm trong khu vực quản lý, thu giữ gần 4.200 con gia cầm giống nhập lậu.

Tại Hội nghị “Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững” mới đây, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến cho rằng: Công tác chống buôn lậu, nhập lậu vô cùng quan trọng, ảnh hưởng sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Do đó, hoạt động này cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt.

Ðể thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là thời điểm cuối năm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên yêu cầu các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về chống buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục duy trì và tăng cường các lán chốt chặn trên tuyến biên giới để vừa ngăn chặn hiệu quả hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, vừa ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm...

Ðối với Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu hàng hóa nhằm phát hiện và xử lý nghiêm việc trà trộn các sản phẩm gia cầm nhập lậu; tăng cường lực lượng chuyên trách chống buôn lậu tại khu vực cửa khẩu Chi Ma để phối hợp thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác để thực hiện tốt việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Cục Quản lý thị trường tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng sản phẩm gia cầm và các điểm buôn bán gia cầm giống phục vụ sản xuất của nhân dân.

Hiện nay, các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả; do đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.