Phát triển kết cấu hạ tầng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

NDO - Các dự án phát triển du lịch đã được đưa vào diện Nhà nước thu hồi đất trong Luật Đất đai 2003; Nghị định 84/2007/NĐ-CP cũng đã luật hóa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đủ điều kiện được Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, đến Luật Đất đai năm 2013, quy định này bị loại bỏ khiến việc triển khai các dự án du lịch trọng điểm gặp ách tắc.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Ngày 19/10, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo "Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch" nhằm lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, luật sư và ý kiến doanh nghiệp về việc tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kiến tạo hạ tầng du lịch trong Luật Đất đai sửa đổi dự kiến được đưa ra bàn thảo và thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 23/10 tới.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg, đều khẳng định mục tiêu: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.

Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nêu rõ một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50% thì cần phải đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, nhận định: Ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển lớn về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, trở thành một trong những động lực quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ, góp phần giúp kinh tế tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch vẫn còn một số hạn chế về năng lực và chất lượng dịch vụ; trong đó một trong những nguyên nhân sâu xa do chính sách phát triển của ngành vẫn chưa tạo được không gian pháp lý đầy đủ để thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng với tiềm năng du lịch.

Cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế, do chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch chưa được cụ thể hóa rõ trong một số luật, quy định liên quan; khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập; các quy định về cấp và chuyển nhượng quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch (condotels, shophouse, ….) còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty DVL Ventures, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, các dự án phát triển du lịch đã được đưa vào diện Nhà nước thu hồi đất trong Luật Đất đai 2003. Nghị định 84/2007/NĐ-CP cũng đã luật hóa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đủ điều kiện được Nhà nước thu hồi đất.

Tuy nhiên, đến Luật Đất đai năm 2013, quy định này bị loại bỏ vì nhiều quan điểm nhận định các tổ hợp vui chơi giải trí, phục vụ du lịch mang tính kinh doanh thay vì góc nhìn căn cứ vào mục tiêu phát triển các ngành kinh tế trọng điểm.

Vì vậy sau năm 2019, những câu chuyện liên quan pháp lý cho bất động sản du lịch bắt đầu nảy sinh khi hàng loạt dự án bị treo do vướng quy định về giao đất, chờ khung pháp lý mới để xử lý.

Tại hội thảo, các diễn giả tập trung đề xuất cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế trong Luật Đất đai sửa đổi.