Đây là nhiệm vụ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch chủ trì thực hiện nhằm đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch đáp ứng các xu hướng du lịch mới trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết: Nội dung nhiệm vụ đưa ra không phải quá mới, bởi đã có những hội thảo, tọa đàm trao đổi, thảo luận về vấn đề này ngay khi đại dịch bắt đầu. Nhưng xu hướng du lịch có thể tồn tại kéo dài theo thời gian nhất định hoặc có thể xuất hiện thêm những xu hướng liên quan, do đó Viện tiếp tục nghiên cứu để kịp thời đưa ra khuyến nghị, đề xuất nhằm nắm bắt kịp thời, có giải pháp thúc đẩy dòng khách đến Việt Nam.
Tại hội thảo, thay mặt nhóm thực hiện nhiệm vụ, ông Phạm Văn Dương, Chủ nhiệm chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đã trình bày báo cáo tổng kết các kết quả nghiên cứu ban đầu của nhiệm vụ. Trên cơ sở phân tích hiện trạng, hành vi tiêu dùng du lịch của khách quốc tế hậu Covid, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp các xu hướng du lịch mới của du khách quốc tế đến Việt Nam.
Đó là xu hướng lựa chọn những điểm đến mới, hoang sơ, yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên, các điểm đến sinh thái bền vững, điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa, cộng đồng… Nhiều du khách quốc tế có nhu cầu tổ chức chuyến đi riêng tư hoặc cùng nhóm nhỏ thay vì đi theo đoàn lớn như trước. Bên cạnh đó là xu hướng sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt các dịch vụ du lịch; chú trọng hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…
Ở thị trường nội địa, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra các xu hướng du lịch nổi bật của du khách trong nước sau đại dịch. Theo đó, du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn là xu thế chủ đạo của dòng khách nội địa. Khách có xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ, ưu tiên đi cùng gia đình, nhóm bạn.
Người Việt cũng đang dần hình thành thói quen tiêu dùng du lịch xanh, bền vững; tránh những điểm đến quá đông người; ưu tiên sử dụng các tour chuyên đề, trọn gói; đi ngắn ngày hơn và chi tiêu ít hơn sau đại dịch. Đặc biệt, công nghệ số và thanh toán điện tử đang dần trở thành nhu cầu không thể thiếu, nhất là đối với khách du lịch giới trẻ.
Từ đó, nhóm nghiên cứu nhiệm vụ đã đề xuất một số nhóm giải pháp liên quan để thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển đáp ứng các xu hướng du lịch mới, như: tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu thị trường khách nội địa; tăng cường truyền thông, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách tại các thị trường quốc tế; chú trọng phát triển, quảng bá các dòng sản phẩm du lịch mới được du khách quan tâm nhiều sau đại dịch như du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng…
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để ngành du lịch có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi về nhu cầu du lịch của du khách sau đại dịch, tập trung vào các vấn đề: ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao sau đại dịch…