Tìm giải pháp phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao sau đại dịch Covid-19

NDO -

Chiều 13/5, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trường Đại học Văn Hiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia chủ đề “Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19”.

Toàn cảnh buổi hội thảo.
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện của Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17/5.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện. Số lượng du khách cũng như doanh thu du lịch đã sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành du lịch giảm sâu, nhiều người lao động phải rời ngành để tìm kiếm việc làm khác.

Việt Nam nói chung, tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, vấn đề nguồn nhân lực du lịch đã và đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, cho hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và cho công tác đào tạo trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch.

Tìm giải pháp phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao sau đại dịch Covid-19 -0
 Nguồn nhân lực du lịch đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng sau đại dịch.

Trước thực trạng đó, trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả đã thảo luận các vấn đề phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch, tập trung ở 4 vấn đề quan trọng: Phát triển du lịch trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và Phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Liên kết vùng phát triển du lịch; Liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch và Phát triển các loại hình du lịch đặc thù.

Tại buổi hội thảo, các diễn giả lần lượt trình bày các tham luận chuyên sâu về các nội dung như: Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch; Kinh nghiệm liên kết, hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Những vấn đề đặt ra trong đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao sau đại dịch Covid-19; Liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch Covid-19... nhằm hướng tới những giải pháp trọng tâm cho ngành du lịch, thúc đẩy tăng trưởng trở lại thời kỳ “bình thường mới”.

Trong phần tọa đàm, các đại biểu, diễn giả tập trung vào việc thảo luận các nội dung về việc định hướng giải pháp cũng như cách thức thực thi nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch Việt Nam: nhận diện cơ hội, thách thức và các vấn đề phát triển ngành du lịch trong thời kỳ hậu Covid-19; tập trung các giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp, địa phương; ứng dụng công nghệ mới; định hướng và phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch…

Ngoài ra, hội thảo còn đón nhận được nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành và khách sạn.

Thành phố Hồ Chí Minh với lợi thế là địa phương có hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đào tạo về chuyên ngành du lịch quy mô lớn nhất nước, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền nam, với 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp.

Trung bình hằng năm, có khoảng hơn 12.000 người được đào tạo về nghề du lịch trong các bậc học, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành. Hiện thành phố có 140.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, 15% có trình độ đại học, 50% trình độ cao đẳng, trung cấp.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nếu như trước dịch Covid-19, ngành du lịch thành phố trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, thì sau tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng.

Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.

“Thông qua những trao đổi, thảo luận tại hội thảo, chúng tôi hy vọng sẽ làm rõ các chính sách, giải pháp và hỗ trợ tham mưu cho các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng cho các nhóm ngành du lịch trong thời gian tới” - bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết.