Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu kỳ khép kín thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Các sản phẩm, phế phụ phẩm được tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa mục tiêu, đa giá trị.
Toàn quốc đã có nhiều mô hình tuần hoàn hiệu quả như mô hình vườn-ao-chuồng (VAC); chăn nuôi gia súc kết hợp nuôi giun quế; chăn nuôi an toàn sinh học 4F gồm trồng trọt-thực phẩm-chăn nuôi-phân bón; mô hình vòng tuần hoàn xanh; mô hình trồng chuối xuất khẩu kết hợp nuôi bò và sản xuất phân bón hữu cơ; trồng rau an toàn kết hợp chăn nuôi thủy sản...
Tỉnh Bắc Giang cũng có nhiều mô hình hiệu quả, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Người sản xuất đặc biệt quan tâm xử lý các phế phụ phẩm trong trồng trọt, chất thải trong chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, khí sinh học, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giáo dục trải nghiệm.
Song thực tế số lượng mô hình chưa xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản phẩm thô; ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch chưa có nhiều dịch vụ phục vụ du khách. Việc tích tụ ruộng đất tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Thảo luận tại diễn đàn, ông Đỗ Xuân Bình, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang cho rằng, mỗi chủ thể sản xuất cần bám sát chủ trương, định hướng phát triển sản xuất của Trung ương, địa phương để trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, có lợi nhuận; đi trước, đón đầu áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất tuần hoàn tùy theo quy mô; sản xuất an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Hằng năm, Hội phối hợp tổ chức cuộc thi “Vườn đẹp-Trang trại kiểu mẫu” nhằm tạo sân chơi cho hội viên, nông dân…
Tại diễn đàn các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hay trong thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn, một số đại biểu tiếp tục đưa ra câu hỏi liên quan đến giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn quy mô hộ gia đình; chính sách tích tụ ruộng đất, vay vốn, thu hút lao động trẻ có trình độ về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp…
Trước đó, các đại biểu tham quan mô hình phát triển nông nghiệp thông minh gắn với du lịch trải nghiệm tại Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng và mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong chăn nuôi gắn với liên kết tiêu thụ tại hộ gia đình ông Hoàng Đình Quê ở xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).