Vị thế, tầm nhìn và bước phát triển đột phá của Quảng Ninh

Trong những năm qua, Ðảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo địa phương phát triển nhanh và bền vững. Với nhiều mô hình mới, sáng tạo, cách làm đột phá, Quảng Ninh đã thể hiện một bộ máy tinh gọn, năng động, nội lực vững vàng, sẵn sàng cho mục tiêu cao hơn, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh CAO TƯỜNG HUY về những kết quả trong hơn nửa nhiệm kỳ 2020-2025 và những định hướng, tầm nhìn chiến lược của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm dây chuyền sản xuất của Nhà máy Jinko Solar tại Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm dây chuyền sản xuất của Nhà máy Jinko Solar tại Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.

Phóng viên: Thưa đồng chí, nền tảng vững chắc, tạo đà phát triển bền vững của Quảng Ninh bắt nguồn từ sự đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Ðồng chí có thể chia sẻ về nhận định này?

Ðồng chí Cao Tường Huy: Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định rõ quan điểm, phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học-công nghệ làm động lực; phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức xuất hiện gay gắt hơn, tác động sâu sắc, toàn diện về mọi mặt, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15. Kịp thời đề ra, cũng như chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chủ động, quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế để trụ vững và vượt qua các thách thức, hậu quả do dịch Covid-19 gây ra, để giữ vững đà tăng trưởng kinh tế liên tục bảy năm liền trên hai con số.

Nhiều mô hình mới, cách làm đột phá mà Quảng Ninh được làm thí điểm, đạt hiệu quả rõ nét được ghi nhận, đánh giá cao và có mô hình được nhân rộng trong cả nước. Tỉnh luôn kiên trì, chủ động và sáng tạo thực hiện ba đột phá chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước về huy động nguồn lực đầu tư đối tác công-tư (PPP), "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", thu hút nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế-nguồn động lực đột phá tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng và mở rộng theo chiều sâu hợp tác quốc tế.

Tỉnh đã kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nội lực, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đầu tư công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, vượt qua các thách thức, quản trị tốt rủi ro, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế hai con số trong bảy năm liên tiếp (2016-2022); cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có nhiều tiến bộ, giữ được vị trí thứ nhất chỉ số PCI sáu năm liên tiếp (2017-2022), và là địa phương duy nhất trong cả nước trong hai năm 2020, 2022 dẫn đầu đồng thời bốn chỉ số (PCI, ParIndex, SIPAS, PAPI) đã phản ánh những nỗ lực trong xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân.

Quảng Ninh đã có những bước phát triển khá toàn diện và vững chắc. Các cơ chế, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế được ban hành và thực thi nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" phát triển không ngừng, được Chính phủ chỉ đạo nhân rộng trong cả nước. Ðến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đồng thời hoàn thành trước ba năm Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Phóng viên: Quảng Ninh đang chuyển dịch mạnh mẽ mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh" bằng những giải pháp đột phá, chiến lược nào, thưa đồng chí?

Ðồng chí Cao Tường Huy: Ðể thực hiện mục tiêu này, tỉnh xác định phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa-hiện đại hóa-đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Mặt khác, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc địa phương; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Cùng với đó, tỉnh thực thi nhiều cơ chế, chính sách phát triển du lịch toàn diện. Không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Hạ tầng du lịch có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc. Di sản-Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; các di tích quốc gia đặc biệt và hơn 600 di tích khác của tỉnh được quan tâm đầu tư, bảo tồn, cùng hệ thống dịch vụ như cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn, đường cao tốc, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, và các hạng mục được các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch… Quảng Ninh, Hạ Long luôn là một trong những điểm đến có uy tín cho các sự kiện cấp quốc gia, quốc tế.

Và không thể không nhắc tới bứt phá từ thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược. Với việc chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, Quảng Ninh đã tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo đà vươn lên.

Có thể khẳng định, Quảng Ninh luôn lựa chọn đúng nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với mọi tình huống đột xuất, bất ngờ trên các lĩnh vực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã tập trung triển khai cụ thể hóa bốn quan điểm định hướng lớn, năm nhiệm vụ trọng tâm, ba khâu đột phá và các nhiệm vụ thường xuyên, giải pháp lớn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, khoa học, rõ việc, rõ trách nhiệm thực hiện, rõ thời gian hoàn thành.

Với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, khoa học, nửa nhiệm kỳ qua thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả toàn diện, ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định; trong ba năm (2020, 2021, 2022) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, song tăng trưởng kinh tế lần lượt đạt 10,05%, 10,12%, 10,28%. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt mức tăng trưởng hai con số trong bảy năm liên tiếp từ 2016-2022 là thành quả đáng ghi nhận.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị cũng như phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ninh trong hơn nửa nhiệm kỳ qua?

Ðồng chí Cao Tường Huy: Một trong những bài học kinh nghiệm sâu sắc được trao truyền, kế thừa và phát huy qua các thời kỳ đó là sự đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, đổi mới mạnh mẽ tư duy, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm; đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, quan tâm giải quyết tốt, hài hòa các vấn đề xã hội, nhất là trong phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh và công bằng, tiến bộ xã hội; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệnh vùng, miền. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng luôn được quan tâm, chú trọng, nhất là việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, xác định là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện.

Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực mang lại kết quả tích cực. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đồng bộ, bài bản, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực, nhất là những vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên. Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo tập trung khắc phục dứt điểm các tồn tại, hạn chế, vi phạm đã được chỉ ra tại các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và theo chỉ đạo mới của cơ quan có thẩm quyền cấp trên; chủ động phòng ngừa, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song Quảng Ninh đang phấn đấu đến năm 2030 trở thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng-an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; GRDP bình quân đầu người hơn 15 nghìn USD/năm.

Vị thế, hình ảnh của địa phương được khẳng định và nâng cao. Quảng Ninh đã vươn lên trở thành địa phương đi đầu trong đổi mới, sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía bắc.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!