Theo đơn trình báo, chị H (trú tại Hà Nội) nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của con gái với nội dung chuyển tiền để con đóng học ở nước ngoài. Tin tưởng đó là con mình, chị đã chuyển 3 lần với số tiền hơn 400 triệu đồng. Cả 3 lần giao dịch chuyển tiền, chị H đều gọi cho con và chỉ nghe thấy máy “ù ù”.
Sau đó, tài khoản Facebook của con gái nhắn tin lại cho chị H: “Mẹ ơi, máy điện thoại con vừa bị rơi, không nghe rõ đâu. Mẹ nhắn tin cho con!”. Sau khi liên lạc được với con, chị mới biết tài khoản Facebook của con đã bị hack nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Với kiểu lừa đảo này, tội phạm thường chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội như: Facebook, Zalo, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản có trong danh sách Facebook, Zalo để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đây là thủ đoạn không mới, mặc dù đã được các đơn vị chức năng cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên, nhiều người sử dụng mạng xã hội vẫn mắc bẫy. Nếu như trước đây, nạn nhân thường bị chiếm đoạt 20-50 triệu đồng thì hiện nay, hầu hết nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lớn hơn, từ 200-500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội cũng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia các quỹ đầu tư tài chính MBK, Carlyle, các quỹ đầu tư vàng, dầu thô,... Thời gian gần đây, nạn nhân bị mắc bẫy ngày càng gia tăng, và số tiền bị chiếm đoạt ngày càng lớn.
Chị P (trú tại Hà Nội) cho biết, chị được các đối tượng cho vào nhóm Zalo “MUA BÁN VÀNG-DẦU”. Các đối tượng giới thiệu, đây là nhóm giao lưu và hỗ trợ anh em “mua bán vàng dầu các cặp ngoại tệ online; kiếm lợi nhuận trên sự chênh lệch tỷ giá”.
Trong nhóm có nhiều “cò mồi” xác nhận đã thu được lợi nhuận và rút được tiền đúng như giới thiệu ban đầu. Do thấy đây giống thủ đoạn đã được tuyên truyền cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nên chị P đã rời khỏi nhóm Zalo lừa đảo trên tránh để “mất tiền”.
Không may mắn như chị P, anh T (trú tại Hà Nội) được một tài khoản Zalo “dụ dỗ” đầu tư qua mạng, thông qua Quỹ đầu tư DF. Sau khi giao dịch, anh T muốn rút tiền thì được đối tượng yêu cầu nộp các khoản phí và thuế. Thực hiện tổng số 40 lần giao dịch chuyển tiền với số tiền 2,4 tỷ đồng. Sau đó, anh T nhận ra mình đã bị lừa nên đã đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội trình báo.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi “bỗng dưng” nhận được tin nhắn đề nghị vay, mượn, chuyển tiền qua mạng xã hội. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, cần phải xác minh thông qua việc gọi điện thoại trực tiếp đến người vay bằng số điện thoại đã được lưu trong danh bạ, không kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội: Zalo, Facebook… Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Về lời mời tham gia các quỹ đầu tư tài chính, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác khi tham gia đầu tư tài chính online. Không làm theo những hướng dẫn, “dẫn dụ”, “mời chào” của các tài khoản cá nhân, nhóm trên: Zalo, Facebook, Telegram,... không xác thực danh tính. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.