Hiện nay, nông dân đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng kỹ thuật như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước, bón phân tự động… để trồng dưa lưới, hoa lan… có giá trị kinh tế cao.
Từ bệ đỡ của ngân hàng
Qua 10 năm buôn bán các loại sản phẩm cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và nắm bắt nhu cầu tiêu thụ quả dưa lưới trên thị trường rất lớn, từ cuối năm 2022, anh Đinh Công Vàng ở thôn Tân Lập, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn được vay 1,7 tỷ đồng từ Agribank Chi nhánh huyện Ninh Sơn để đầu tư lắp đặt hệ thống nhà lồng trồng dưa lưới.
Anh Vàng chia sẻ: Gia đình đang sở hữu gần 5 ha đất và đã nhiều năm rất muốn đầu tư hạ tầng để trồng dưa lưới, nhưng không có nhiều vốn. Riêng chi phí đầu tư nhà lồng khoảng 350 triệu đồng/sào (1.000 m2 ); cùng với đó, phải chi thêm hàng trăm triệu đồng để lắp đặt hệ thống phun tưới nước, bón phân tự động...
Nhờ ứng dụng công nghệ, dù anh Vàng đang ở đâu, chỉ cần bật app tự động được cài đặt qua điện thoại di động là có thể theo dõi được hoạt động chăm sóc, bón phân, tưới tiêu, sức khỏe của vườn cây, rất hiệu quả.
Đưa chúng tôi tham quan ba nhà lồng trồng 7 sào dưa lưới đang vào vụ thu hoạch, anh Đinh Công Vàng phấn khởi khoe: “Vụ đầu tiên, gia đình tôi thu hoạch 12 tấn dưa/nhà lồng. Sản phẩm được đưa đi tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Sau khi trừ các khoản chi phí, thu lãi từ 40-50 triệu đồng/sào/vụ, cao gấp mấy lần so với trồng xoài trước đây”.
Với chính sách cho vay thuận lợi, thủ tục nhanh gọn, anh Vàng đang tính tiếp tục vay vốn của Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) để mở rộng thêm diện tích nhà lồng trồng dưa lưới.
Chi phí đầu tư ban đầu cao, lại phải am hiểu kỹ thuật mới có thể thực hiện được mô hình nông nghiệp công nghệ cao là lực cản lớn nhất của nông dân và doanh nghiệp khi bắt tay thực hiện chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao. Sự tiếp sức bằng nguồn vốn từ ngân hàng được xem là động lực then chốt để các nhà đầu tư thực hiện mô hình thành công.
Có kinh nghiệm trồng hoa lan lâu năm ở Lâm Đồng, năm 2021, gia đình chị Diệp Hồng Trang đã khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng tại xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn và nhận thấy phù hợp để trồng cây hoa lan Hồ Điệp, nên đã quyết định đầu tư nhà lồng để sản xuất.
Từ nguồn vốn vay 2 tỷ đồng của Agribank, gia đình chị Trang xây dựng 2 nhà lồng rộng khoảng 2 sào trồng lan Hồ Điệp, mỗi năm thu lãi 1,8 tỷ đồng.
Chị Trang khẳng định: “Chi phí đầu tư mỗi nhà lồng trồng lan công nghệ cao khoảng 3,5 tỷ đồng. Vì thế, nguồn vốn vay từ Agribank rất có ý nghĩa đối với chúng tôi. Chi phí cao nhưng bù lại năng suất và sản lượng cây lan ổn định, nên lãi cao hơn nhiều lần so với làm nông nghiệp truyền thống”.
Tích cực tiếp sức cho nông dân vươn lên
Ninh Sơn là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Ninh Thuận với hơn 24.000 ha đất nông nghiệp.
Theo mục tiêu đến năm 2025, huyện sẽ đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới với mong muốn người dân nơi đây có mức sống khá hơn, vươn lên làm giàu ngay trên đất sản xuất của mình.
Do đó, bên cạnh chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp truyền thống, tỉnh Ninh Thuận kêu gọi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật và triển khai các chính sách hỗ trợ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Sơn, Nguyễn Đức Hòa cho biết:
“Toàn huyện có 102 ha đất làm nông nghiệp công nghệ cao. Chi nhánh Agribank huyện là một trong những đơn vị đi đầu trong hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước, bón phân tự động để trồng dưa lưới, hoa lan… mang lại hiệu quả cao. Huyện mong muốn ngân hàng tiếp tục đồng hành giúp người dân có điều kiện phát triển nhiều hơn nữa các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; luôn là nơi hỗ trợ tích cực cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương trong tương lai”.
Phó Giám đốc phụ trách điều hành Agribank - Chi nhánh Ninh Thuận Vũ Duy Hưng cho biết:
“Với vai trò và trách nhiệm của ngân hàng thương mại chủ lực đầu tư phát triển lĩnh vực “Tam nông”, Agribank - Chi nhánh Ninh Thuận tiếp tục triển khai đa dạng các phương thức cho vay tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn đầu tư trong nông nghiệp như: Cho vay qua tổ liên kết, cho vay hạn mức quy mô nhỏ đối với khách hàng cá nhân, cho vay qua hình thức thấu chi, phát hành thẻ tín dụng; đồng thời, triển khai các giải pháp tiếp cận khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn; nâng cao chất lượng hoạt động Tổ vay vốn thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ với mục tiêu đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu về vốn phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đặc biệt tại khu vực nông thôn”.
Tính đến tháng 6/2023, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank - Chi nhánh Ninh Thuận đạt 6.112 tỷ đồng, tăng 250 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 75% trên tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới 3.588 tỷ đồng, tăng 170 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 44% trên tổng dư nợ cho vay.