Những mong đợi của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gửi gắm tới đội ngũ nhà giáo

NDO - Khẳng định nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Tìm mọi biện pháp nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo

Lực lượng nhà giáo trên cả nước hiện có gần 1,6 triệu, ở các cấp học mầm non, phổ thông, thường xuyên, cao đẳng, đại học và các tổ chức giáo dục khác.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp.

“Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành chúng ta. Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo” - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định tại buổi gặp gỡ nhà giáo của cả nước ngày 15/8.

Những mong đợi của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gửi gắm tới đội ngũ nhà giáo ảnh 1

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao đổi với các nhà giáo.

“Có những việc đã làm được, chưa làm được, có thể không làm được, nhưng trong suy nghĩ, tình cảm và hành động của tôi và các đồng nghiệp, các cán bộ quản lý ở Bộ thì luôn luôn đau đáu. Tại các diễn đàn lớn nhỏ, có cơ hội là chúng tôi bày tỏ các kiến nghị để đem lại những gì tốt đẹp nhất cho nhà giáo”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Nhà giáo cần tự đổi mới mình

Gửi gắm những mong đợi ở đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cơ hội lớn cho đổi mới giáo dục do đó, cần phải thực hiện thật tốt.

“Dù chương trình mới còn điểm này, điểm khác phải điều chỉnh nhưng nhìn chung chương trình được đánh giá là mới, hiện đại, là chỗ dựa cho thay đổi giáo dục, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, càng ngày chúng ta sẽ càng thấy sự thay đổi này là quan trọng khi kiến thức của nhân loại là vô hạn, trang bị kiến thức sẽ phải chạy theo kiến thức, chỉ có năng lực phát triển không ngừng thì mới ứng phó với sự vô hạn của tri thức” – Bộ trưởng cho biết.

“Những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới. Vì vậy, điều kiện quan trọng đầu tiên chúng ta cần là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân”. Chúng ta thống nhất, đổi mới là một quá trình, không thể quá vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Cần tiến hành từng bước, sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới.

Cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo. Nhà giáo từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích luỹ kiến thức. Sự thay đổi này hết sức quan trọng mà mỗi nhà giáo cần ý thức được.

Những mong đợi của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gửi gắm tới đội ngũ nhà giáo ảnh 2

"Nhà giáo từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ để học sinh hình thành năng lực, kiến thức" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Một điểm quan trọng, nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. Trong giai đoạn trước sách giáo khoa là chỗ dựa, dạy phải theo đó, học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì phải thi thế ấy. Chúng ta bị khuôn cứng, bị lệ thuộc vào sách giáo khoa. Nhưng sự thay đổi lớn của lần này là chương trình thống nhất toàn quốc, sách giáo khoa là học liệu - cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc – đó là công cụ và chúng ta sẵn sàng sử dụng các bộ sách giáo khoa khác, các học liệu khác, sử dụng một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động của chúng ta.

Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa thì chúng ta không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng. Qua thực tế thăm dò giáo viên ở nhiều vùng miền khác nhau, vẫn còn nhiều người phụ thuộc vào sách giáo khoa. Thay đổi cần diễn ra từng bước, dần dần, không thể yêu cầu một sớm một chiều được.

Giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông cần điều chỉnh cả thói quen trong chuyên môn và sinh hoạt tập thể. Vai trò của giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới được nhiều quyền hơn, chủ động hơn – cần được phát huy. Giáo viên có quyền quyết định các nội dung, tuần tự bài học, tổ chức kiểm tra đánh giá – điều này vốn chưa từng có trước đây…

“Với trường học mang tính mở, cần tham gia cùng nhà trường xây dựng kế hoạch nhà trường, quyết định lựa chọn sách giáo khoa… Việc này dường như các trường ngoài công lập đang làm tốt hơn các trường công lập” – Bộ trưởng đưa ra nhận xét.

Nhấn mạnh vai trò của Hiệu trưởng - người đứng đầu trường phổ thông, người chỉ huy, người chủ đạo việc đổi mới trong một cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ngôi trường đó đổi mới được.

“Nếu các hiệu trưởng không thay đổi thì sự thay đổi của các giáo viên sẽ rất khó khăn và có thể dẫn tới sụp đổ”, Bộ trưởng cho biết. Rất nhiều hiệu trưởng qua thăm dò, tiếp xúc rất nhiệt huyết, làm tốt nhưng cũng có một phần không tham gia tập huấn, không nghiên cứu chương trình, phó thác việc đó cho hiệu phó, tổ trưởng bộ môn, giáo viên cốt cán…, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới”.

Trong sự đổi mới muốn có một trường học hạnh phúc, vai trò của mỗi giáo viên được phát huy, để làm được điều đó, hiệu trưởng rất quan trọng. “Hiệu trưởng không phải là một ông quan trong một cơ sở giáo dục, đó là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp”. Do đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mong các hiệu trưởng bắt nhịp với các mục tiêu đổi mới để trở thành những người dẫn dắt công cuộc đổi mới. Triết lý của chương trình mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động. Nếu tính nhân văn, tính chủ động đó không được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng, thì nhân văn, chủ động đó chỉ dừng ở cổng trường.

Bên cạnh những kỹ năng, năng lực của học sinh, còn phải quan tâm tới phát triển năng lực cảm xúc của học sinh. Hiện tại và tương lai năng lực cảm xúc, cảm xúc xã hội càng là nhân tố quan trọng cho chúng ta tạo dựng nên lớp học sinh mới.

Xây dựng chế độ chính sách tạo chuyển biến cho nhà giáo phát huy

"Về phía Bộ sẽ làm gì cho nhà giáo?", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Chắc chắn trong thời gian tới Bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách. Hiện nay có tới hơn 200 chính sách rải rác trong các văn bản khác nhau từ các Bộ, ngành. Nhiều chính sách phải thông qua các Bộ, ngành khác, không phải việc riêng của ngành. Việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời gian tới có thể sẽ mang lại cho chúng ta những chuyển biến tích cực về thể chế. Bộ sẽ làm nhiều việc để làm sao khối giáo dục công - tư được bình đẳng trong thực tế. Trước hết là đối đãi, ứng xử bình đẳng, phát huy hệ thống ngoài công lập để cùng chia sẻ, để xã hội được hưởng thụ giáo dục đa dạng hơn.

Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo và đang làm mọi cách để chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành đang làm không dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai; đang có sửa đổi trong Thông tư 16 về định mức giáo viên/lớp. Có rất nhiều việc Bộ đang làm để phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, bao gồm cả chính sách thi đua khen thưởng. Bộ cũng đang làm mọi việc để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, phát triển hệ thống các trường sư phạm.

"Chúng ta cần phải kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành. Chúng ta cần kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành với chúng ta. Chúng ta cần kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực; kiên quyết theo đuổi mục tiêu chiến lược phát triển con người. Chúng ta cần kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp không thể bị tổn hại, cần giữ truyền thống vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt…" Bộ trưởng gửi gắm thông điệp tới các nhà giáo.