Việc triển khai kế hoạch phải thể hiện được vai trò kiến tạo, điều phối của UBND tỉnh, theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Để đạt được kế hoạch, tỉnh đề ra một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, như tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố; đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, tạo cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường gặp gỡ, đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…
Chuyển biến từ Chương trình giảm nghèo thông tin ở Đắk Nông
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, hiện nay địa phương có khoảng 50% số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 30% số hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn muốn được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
Trong hai năm qua, việc triển khai Chương trình truyền thông giảm nghèo về thông tin (Tiểu dự án 1), tỉnh Đắk Nông được phân bổ nguồn vốn hơn 2,4 tỷ đồng. Thông qua truyền thông giảm nghèo thông tin, có hơn 21.000 người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật được hưởng lợi từ dự án. Đối với Tiểu dự án 2 (Truyền thông về giảm nghèo đa chiều) đến nay đã triển khai thực hiện và có gần 22.000 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng.
Lâm Đồng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua thương mại điện tử
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, từ tháng 12/2022 đến nay, các trang thương mại điện tử do Trung ương và địa phương quản lý đã cập nhật gần 280 nông sản OCOP Lâm Đồng. Tháng 12/2022, trang thương mại điện tử www.nongsandalatlamdong.vn đã được vận hành và cập nhật toàn bộ thông tin 214 sản phẩm của 123 chủ thể OCOP, 1.149 mặt hàng nông sản của 350 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; bước đầu kết nối, giới thiệu nông sản của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước. Trang www.postmart.vn đã đưa 65 nông sản xếp hạng OCOP 3 sao trở lên của Lâm Đồng trên sàn, tạo tài khoản cho 50.766 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 5.906 tài khoản thanh toán điện tử.
Lâm Đồng tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện tổ chức tại địa phương. |
Theo Trung tâm phát triển thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương, từ tháng 8/2021 đến hết tháng 7/2022, doanh số bán lẻ trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử và website bán hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 258 tỷ đồng.
Kon Tum có 188 trường đạt chuẩn quốc gia
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 188 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 59 trường mầm non, 66 trường tiểu học, 51 trường THCS và 12 trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú. Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ đạt các chỉ tiêu đề ra về trường đạt chuẩn quốc gia.
Thời gian qua, công tác kiểm định chất lượng giáo dục kết hợp việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các cấp, ngành, địa phương tỉnh Kon Tum chú trọng, ưu tiên các nguồn lực và giải pháp nhằm nâng cao các điều kiện, hướng đến bảo đảm chất lượng dạy và học.
Theo kế hoạch về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Kon Tum, phấn đấu đến năm 2025, có hơn 50% số trường mầm non, 70% số trường tiểu học, 50% số trường THCS và 55% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, 16 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 6 trường TH-THCS và THCS, 7 trường THPT đạt chuẩn mức độ 2.
Gia Lai bồi dưỡng nghiệp vụ cho 220 người có uy tín
Từ ngày 31/7 đến 2/8, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai tập huấn nghiệp vụ cho người có uy tín về các nội dung liên quan đến công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tham dự tập huấn có 220 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thuộc ba huyện Chư Păh, Đắk Đoa và Mang Yang, được nghe đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Sở Ngoại vụ phổ biến các chuyên đề về Luật Biên phòng Việt Nam; công tác triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc trên địa bàn tỉnh; thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia.
Ngoài ra, tại lớp tập huấn, người có uy tín còn được hướng dẫn các kỹ năng thực hiện công tác dân vận; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; chuyên đề công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...