Giá ngô giảm 5 phiên liên tiếp, lúa mì lao dốc hơn 5%
Toàn bộ 7 mặt hàng nông sản đồng loạt ghi nhận các mức giảm mạnh. Giá lúa mì dẫn dắt xu hướng với mức lao dốc gần 5,5%.
Tuy thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã kết thúc, nhưng tình hình xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine vẫn diễn ra với tốc độ ổn định. Điều này đã giúp xoa dịu những lo ngại của thị trường về sự gián đoạn nguồn cung từ Biển Đen, đồng thời gây áp lực lớn lên giá lúa mì.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Ukraine cho thấy, khối lượng xuất khẩu ngũ cốc trong tháng 7, tháng đầu tiên của niên vụ 23/24 của nước này đạt 2,16 triệu tấn, cao hơn mức 1,61 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các lô hàng lúa mì chiếm 758.000 tấn, tăng mạnh so mức 361.000 tấn của tháng 7/2022.
Bên cạnh lúa mì, trước triển vọng thời tiết khả quan hơn đối với mùa vụ của Mỹ trong thời gian tới, giá ngô hợp đồng tháng 12 đã giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần. Đà giảm của giá được duy trì trong suốt ngày hôm qua và chỉ phần nào được thu hẹp vào cuối phiên nhờ lực mua kỹ thuật của thị trường. Chốt ngày, giá ngô giảm mạnh 3,25%, đồng thời ghi nhận phiên suy yếu thứ 5 liên tiếp.
Các dự báo thời tiết trong cuối tuần trước tiếp tục được áp dụng cho tuần này. Nhiệt độ mát mẻ hơn kèm theo sự tăng cường của mưa giông sẽ diễn ra trong đầu tháng 8, giúp cải thiện tình trạng cây trồng cũng như năng suất tiềm năng, khi ngô bước vào giai đoạn phát triển quan trọng. Triển vọng mùa vụ khả quan hơn ở Mỹ là yếu tố gây sức ép mạnh đối với giá ngô trong hôm qua.
Trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections) tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, Mỹ đã giao 522.927 tấn ngô trong tuần 21-27/7, tăng so mức 329.773 tấn của một tuần trước. Tuy vậy, lũy kế giao hàng ngô niên vụ 22/23 của nước này tính tới 27/7 mới chỉ đạt 34,81 triệu tấn, tương đương 65,26% kế hoạch xuất khẩu toàn niên vụ. Chỉ còn vài tuần nữa niên vụ ngô 22/23 của Mỹ sẽ kết thúc và không có nhiều khả năng nước này sẽ hoàn thành kế hoạch xuất khẩu. Do đó, việc số liệu giao hàng ngô trong báo cáo Export Inspections tối qua được cải thiện hầu như không có tác động đáng kể lên giá.
Cà-phê Arabica tăng vọt
Ở chiều ngược lại, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi giá hai mặt hàng cà-phê đều bật tăng mạnh và dẫn đầu đà tăng của nhóm.
Cụ thể, giá Arabica bất ngờ đảo chiều tăng mạnh hơn 4% trong phiên hôm qua. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất trong 1 tháng trở lại đây của mặt hàng này. Hoạt động thu hoạch cà-phê chững lại gây cản trở lên việc xuất khẩu cà-phê vụ mới.
Cụ thể, tiến độ thu hoạch Arabica tính đến ngày 25/7, đạt 65% diện tích dự kiến, thấp hơn mức 66% trong cùng kỳ năm trước và kém 6% so mức trung bình 5 năm.
Hơn nữa, dự báo thời tiết cho thấy mưa lớn có thể xuất hiện tại khu vực trồng cà-phê chính của nước này trong khung thời gian trên 10 ngày tới, làm gián đoạn hoạt động thu hoạch cà-phê. Điều này có thể khiến việc bán hàng cà phê vụ mới của nông dân Brazil chậm lại; từ đó thúc đẩy giá tăng vọt trong hôm qua.
Giá Robusta cũng ghi nhận mức giảm hơn 1% so tham chiếu. Thị trường tiếp tục đứng trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung sau dữ liệu xuất khẩu cà-phê của Việt Nam và Indonesia.
Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính, xuất khẩu cà-phê tháng 7 của nước ta tiếp tục suy yếu so với cùng kỳ, kéo theo lũy kế xuất khẩu 7 tháng đầu năm chỉ ở mức 1,1 triệu tấn, giảm 6% so cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, theo dữ liệu từ Chính phủ Indonesia, xuất khẩu cà-phê Sumatra Robusta trong tháng 6 của nước này đạt 14.858,14 tấn, giảm 14% so mức 16.980 tấn được vận chuyển trong cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 29/7, giá cà-phê trong nước quay đầu giảm mạnh 1.500 đồng/kg, đưa giá giao dịch cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ nước ta về mức 65.500-66.300 đồng/kg, thấp nhất trong vòng gần 2 tuần trở lại đây.