Quảng Nam cần tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia

NDO - Ngày 21/7, Đoàn Giám sát của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, có đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương liên quan.

Báo cáo với Đoàn Giám sát, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Ẩn cho biết, tổng nguồn vốn trung hạn Quảng Nam thực hiện các chương trình trong giai đoạn 2021-2025 hơn 6.251 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ gần 4.518 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 1.733 tỷ đồng.

Qua hơn 2 năm triển khai các chương trình, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn và miền núi Quảng Nam đã được tăng cường đầu tư. Diện mạo nông thôn và miền núi thay đổi căn bản, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân.

Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu trong các chương trình đề ra trong 2 năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đều cơ bản bảo đảm theo kế hoạch. Theo đó, hàng nghìn hộ gia đình đồng bào được hưởng lợi, được tạo sinh kế bền vững.

Quảng Nam cần tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1
Diện mạo miền núi Quảng Nam ngày càng thay đổi.

Theo thống kê, đến tháng 6/2023, Quảng Nam có 117/193 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 60,62%), tăng 5 xã so với năm 2020. Hiện đang hoàn thiện hồ sơ công nhận thêm 6 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 123 xã (chiếm 63,73%).

Tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh đạt và vượt mục tiêu đề ra hằng năm. Cụ thể, năm 2021 giảm 3.156 hộ nghèo/2.000 hộ nghèo theo chỉ tiêu giao, vượt 158% so với kế hoạch; năm 2022 giảm 3.981 hộ nghèo/3.000 hộ nghèo theo chỉ tiêu giao, vượt 132,7% so với kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4,67%...

Trong 2 năm (2021-2022), Quảng Nam đã hỗ trợ, tạo việc làm hơn 19 nghìn lao động, giúp gần 4.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo hơn 36 nghìn công trình nước sạch hợp vệ sinh…

Tuy nhiên,trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Quảng Nam còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn năm 2022 đạt thấp; bộ máy tham mưu thực hiện các chương trình ở các cấp chậm được kiện toàn, nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình của một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu sâu sát, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi chưa chặt chẽ; một số chỉ tiêu thực hiện còn chưa đạt kế hoạch đề ra; việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm...

Quảng Nam cần tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội chia sẻ những khó khăn của địa phương; đồng thời nêu lên những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh lưu ý, sắp đến, Quảng Nam cần tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp để việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cạnh đó, tỉnh cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ các cấp làm tốt công tác tham mưu, tổ chức triển khai các chương trình đạt kết quả cao. Mặt khác, Quảng Nam cần thành lập các tổ công tác xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án và tiểu dự án...