Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

Trong xây dựng cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp khó khăn, nhiều dự án mất hàng chục năm chưa có mặt bằng để thi công, dẫn đến chậm tiến độ cho toàn dự án. Bà Rịa-Vũng Tàu với cách làm mới, sáng tạo, đưa vai trò của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị của thành phố cùng vào cuộc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phục vụ triển khai dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu nhanh hơn tiến độ dự kiến.
0:00 / 0:00
0:00
Khởi công dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã diễn ra đúng dự kiến, tiến độ.
Khởi công dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã diễn ra đúng dự kiến, tiến độ.

Tạo sự đồng thuận

Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu qua địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 19,5 km; trong đó, đoạn qua thành phố Bà Rịa là 3,77 km; diện tích thu hồi là 22,83 ha (đất Nhà nước đang quản lý là 20.605,1 m2 - chiếm 9,03%); 151 trường hợp có đất bị thu hồi (gồm 145 hộ, 5 tổ chức và 1 cơ sở tôn giáo); tổng kinh phí bồi thường khoảng 288,232 tỷ đồng.

Xác định đây là dự án trọng điểm của tỉnh cho nên ngay từ đầu, Ban Thường vụ Thành ủy Bà Rịa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của địa phương trong năm 2022 và những năm tiếp theo, do đó đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, chính quyền các địa phương tập trung triển khai, làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Ðến nay, thành phố Bà Rịa đã ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 151/151 trường hợp (đạt 100%); đã chi trả được 104/151 trường hợp, diện tích 168.318,8/228.298,8 m2 với số tiền 199,254/288,232 tỷ đồng (trong đó có 85/151 trường hợp đồng ý bàn giao mặt bằng với diện tích 131.254,4 m2, đạt tỷ lệ 57,49%).

Ðồng chí Trần Văn Tuấn, Bí thư Thành ủy Bà Rịa cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và thống nhất thành lập tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) đoạn qua thành phố Bà Rịa, gồm 4 tổ: Tổ tổng hợp, Tổ tuyên truyền vận động, Tổ giải quyết khiếu nại, tố cáo và Tổ an ninh trật tự. Ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua thành phố Bà Rịa, theo đó phân công, phân nhiệm cụ thể từng thành viên; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan bám sát kế hoạch tiến độ của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp giao ban định kỳ hằng tuần để rà soát tiến độ các công việc. Cấp ủy địa phương nơi có công trình đi qua, thành lập Tổ công tác, Ban chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tới các hộ dân có dự án đi qua kịp thời nắm bắt các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ, lộ trình dự án một cách công khai, cùng giám sát và ủng hộ việc thực hiện dự án.

Tại thị xã Phú Mỹ, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đi qua bốn xã, phường, gồm: Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Tóc Tiên, Châu Pha thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng chiều dài khoảng 15,73 km. Diện tích đất thu hồi hơn 115 ha với 1.048 hộ và 14 tổ chức bị ảnh hưởng. Ðịa phương đã hoàn thành kiểm đếm, họp hội đồng bồi thường cho 880 hộ, đạt 83%. Ðồng chí Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Phú Mỹ cho biết: Thị xã đang tích cực phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan và chủ đầu tư tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời, tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, bảo đảm bàn giao mặt bằng cho dự án theo đúng kế hoạch. Với phương châm vận động nhân dân là đối tượng nào, hình thức đó, trong đó Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể là nòng cốt, tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, hội viên của mình hưởng ứng, ủng hộ chủ trương giải phóng mặt bằng. Kết quả sau khi tuyên truyền vận động đã có nhiều hộ dân nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Ðồng thời, kiểm đếm sơ bộ, thống kê hiện trạng nhà cửa, vật kiến trúc tuyến đường đi qua; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý hiện trạng mặt bằng sau khi tiếp nhận tim mốc từ đơn vị tư vấn, không làm phát sinh nhà cửa, vật kiến trúc; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trục lợi chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án.

Nhiều kinh nghiệm hay cần được nhân rộng

Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu ảnh 1
Ban Thường vụ Thành ủy Bà Rịa kiểm tra thực địa giải phóng mặt bằng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu.

Qua thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhất là dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Xinh cho biết: "Ðể công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ phục vụ Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cần xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là việc làm khó, phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở. Do đó cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai một cách đồng bộ, nhất quán, kịp thời, công khai, minh bạch, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân".

Bí thư Thành ủy Bà Rịa Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, để tạo lòng tin của nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời giải quyết thỏa đáng, kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo để bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở; ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản trên đất nhằm mục đích trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất; thực hiện nghiêm việc cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất; chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, quyết liệt trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, linh hoạt trong xử lý tình huống; tăng cường trách nhiệm của chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và của chủ đầu tư; tích cực cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, quan tâm đến công tác sắp xếp bố trí tái định cư, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong diện phải thu hồi đất.