Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, khi triển khai thực hiện, chiến dịch “20 triệu phụ nữ phụ khoa đúng cách - Hạnh phúc trọn vẹn” mong muốn đóng góp vào kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Chiến dịch sẽ xây dựng chuỗi hoạt động tư vấn, hội thảo truyền thông cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi và từ 25 đến 45 tuổi tại các địa phương trên cả nước.
Tại các chuỗi hoạt động của chiến dịch, người tham gia có cơ hội được tiếp cận đến thông tin chính xác, đáng tin cậy đến từ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu chuyên ngành phụ sản, được tư vấn và giải đáp các thắc mắc.
Từ đó, chiến dịch mong muốn không chỉ giúp phụ nữ ở nhiều lứa tuổi trang bị kiến thức, kỹ năng để tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh phụ khoa, sức khỏe sinh sản mà còn góp phần tác động tích cực đến nhận thức của cộng đồng xung quanh.
Theo thống kê, 90% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh sản mắc bệnh phụ khoa ít nhất 1 lần, trong đó có đến 11% tái nhiễm nhiều lần. Số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15%-27%. Bệnh xảy ra không chỉ ở phụ nữ đã lập gia đình mà cả các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục cũng có thể mắc.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, 60% phụ nữ đã và đang mắc phải các chứng bệnh phụ khoa ngại ngùng và không đi khám phụ khoa định kỳ. Chỉ khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng mới đến bệnh viện, nhưng khi đó việc điều trị sẽ tốn kém, mất nhiều thời gian và có thể để lại hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Theo thống kê, mỗi năm có hơn 8,9 triệu lượt chị em khám phụ khoa, trong đó gần 3,7 triệu lượt điều trị. Có tới 35% bệnh nhân có thể mắc các biến chứng nguy hiểm.
Các chuyên gia khuyến cáo, chị em cần chăm sóc phụ khoa đúng cách và khám phụ khoa định kỳ. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc cung cấp kiến thức đầy đủ để phụ nữ nhận thức được sự ảnh hưởng xấu của bệnh phụ khoa và chủ động thực hành phòng bệnh là rất quan trọng.