Dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số”, được triển khai từ tháng 7/2017 đến 12/2021, sau 4 năm hoạt động, đã thành lập 2 phòng khám nhạy cảm giới tiêu chuẩn, liên kết trực tiếp với hệ thống bảo hiểm quốc gia. Qua đó, dự án đã hỗ trợ hơn 90.000 người tại 2 huyện Krông Bông và Lâm Hà (tương đương 60% dân số trên toàn 2 huyện là thanh niên và phụ nữ) đã được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao, nhạy cảm giới, minh bạch và hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, dự án nêu trên được EU và ActionAid đồng tài trợ là một trong những chương trình góp phần thực hiện mục tiêu khó khăn của Đề án 498 về ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2025.
Tại điểm cầu huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), bà Triệu Thị Sa, xã Tân Thanh, bày tỏ cảm ơn tới những người thực hiện dự án và các bác sĩ. Bà Sa cho biết, là đối tượng thụ hưởng từ dự án, bà và nhiều phụ nữ trong buôn làng đã biết cách chăm sóc cơ thể mình và thảo luận về giới tính và sức khỏe sinh sản với chồng và bạn trai.
“Chúng tôi cũng biết chủ động đi khám sức khỏe định kỳ và học cách phòng tránh thai, bảo vệ sức khỏe của bản thân gia đình. Trước đây thì chúng tôi đều kệ hoặc âm thầm chịu đựng hoặc phải đi gần 100km nếu cần khám phụ khoa”, bà Sa cho biết.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam tái khẳng định “EU tiếp tục cùng Việt Nam theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững, tuân theo nguyên tắc bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Trong giai đoạn những năm 2010, y tế và năng lượng là những lĩnh vực trọng tâm quan trọng của hợp tác song phương Việt Nam-EU.
Trong giai đoạn 2021-2027, EU đặt mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số đáp ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ tinh thần kinh doanh có trách nhiệm và nâng cao kỹ năng để có việc làm tốt; tăng cường quản trị, pháp quyền và cải cách thể chế thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Việt Nam hiện có hơn 24,6 triệu thanh niên (tuổi từ 10-24), chiếm gần 1/3 tổng dân số, mặc dù tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây luôn đứng đầu khu vực và thế giới, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Sau 4 năm thực hiện, dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số” đã huy động chính quyền địa phương, cộng đồng và các bên liên quan cải thiện các dịch vụ công về sức khỏe sinh sản và tình dục ở Việt Nam. Tại mỗi huyện mà dự án được triển khai, việc phân bổ ngân sách địa phương cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã tăng lên đáng kể trong 2 năm qua.