Bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

NDO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 24/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã bế mạc sau 23 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Tham dự phiên bế mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các vị đại biểu Quốc hội…

Bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ảnh 1

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Thông tin khái quát về kết quả kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật; cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với 2 luật; thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến, cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho nhiều ý kiến lần đầu quan trọng đối với 8 dự án luật khác.

Tại kỳ họp, đã có 1.533 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 10 phiên thảo luận tổ, 3 phiên thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; 1.415 lượt đăng ký, 695 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 107 lượt tranh luận tại 30 phiên thảo luận Hội trường; 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 112 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 49 lượt đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp.

Nhấn mạnh trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu rất cao cả về chất lượng và tiến độ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ đã có trong kế hoạch.

Bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ảnh 2

Quang cảnh phiên bế mạc. (Ảnh: DUY LINH)

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Về hoạt động giám sát, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Đồng thời, dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ về 4 nhóm lĩnh vực: lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp, xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện.

Về công tác nhân sự, Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự đối với chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 1 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp này, cho đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ tổ chức hội nghị để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này trong quý III/2023.

Đồng thời, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả Kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, trong đó có các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.

Trong phiên bế mạc, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (trong đó quy định về: việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam).

Bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ảnh 3

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Theo đó, Quốc hội phê duyệt việc thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại tiết a, điểm 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tối đa là 17.100 tỷ đồng.

Đồng thời, đồng ý với việc điều chỉnh nội dung của Nghị quyết số 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Cụ thể, thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025; tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là 874,089 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng. Gia hạn thời gian giải ngân 47,3 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương đến hết ngày 31/12/2023.