Lạng Sơn phát huy truyền thống cách mạng, tự hào viết tiếp trang sử vẻ vang

Lạng Sơn, miền đất địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc, là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại gắn với những chiến công hiển hách của các thế hệ cha anh trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Lạng Sơn. (Ảnh: Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn)
Một góc Lạng Sơn. (Ảnh: Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn)

Trong 20 năm đầu của thế kỷ 20, cùng với sự phát triển chung của phong trào yêu nước trong cả nước, tại tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện một lớp thanh niên đầy nhiệt huyết, nuôi chí hướng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, lầm than như Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri..., mà sau này các anh đã trở thành lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của quê hương xứ Lạng anh hùng.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, mở ra bước ngoặt quan trọng nhất trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, cuối năm 1931, đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp lãnh đạo công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ, tập hợp được 10 tổ chức quần chúng cách mạng với 30 người ở các làng biên giới thuộc châu Văn Uyên (nay là huyện Văn Lãng), từ đó mở rộng địa bàn hoạt động ra các vùng chung quanh trong tỉnh Lạng Sơn.

Cuối năm 1932 đầu năm 1933, đồng chí Lê Hồng Phong phụ trách Ban Hải ngoại của Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Đảng bộ đặc biệt Long Châu; cử đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Phó Bí thư. Đầu năm 1933, theo chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Hoàng Văn Thụ được chỉ định làm Bí thư Đảng bộ đặc biệt Long Châu, đồng thời có nhiệm vụ về Lạng Sơn tuyên truyền, vận động thanh niên sang dự các lớp huấn luyện ở Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).

Từ chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, các tổ chức đảng tại nhiều địa bàn trong tỉnh đã ra đời, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng phát triển lớn mạnh.

Được sự ủy nhiệm của Đảng, giữa năm 1933 đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Đoàn Viết Thọ tổ chức lễ kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Thụy Hùng, là chi bộ đảng đầu tiên ở tỉnh Lạng Sơn với năm đảng viên tại xã Thụy Hùng (nay là xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc). Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Thụy Hùng đảm nhận vai trò quan trọng làm nòng cốt để chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở địa phương trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo trên địa bàn Lạng Sơn.

Từ chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, các tổ chức đảng tại nhiều địa bàn trong tỉnh đã ra đời, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng phát triển lớn mạnh, từ tự phát sang đấu tranh có tổ chức, từ đấu tranh đòi quyền tự do, dân sinh, dân chủ trở thành đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940.

Đặc biệt, ngày 23/2/1941, tại khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (sau đổi tên là Đội Cứu quốc quân 1) chính thức được thành lập, gồm 32 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm Chỉ huy trưởng. Khuổi Nọi đã đi vào lịch sử vẻ vang của đất nước, là nơi khai sinh ra lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng, đồng thời trở thành trung tâm huấn luyện, trang bị kiến thức về quân sự cho lớp cán bộ quân sự đầu tiên của nhiều tỉnh, thành phố; nơi phát hành bản tin "Du kích" làm tài liệu tuyên truyền cho cán bộ ở các địa phương và là căn cứ địa Bắc Sơn.

Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn là một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Trong chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với phương châm "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh huy động tối đa nhân lực, vật lực phục vụ chiến đấu chống thực dân Pháp, góp phần lập nên chiến công vang dội trên đường số 4, Chiến thắng Biên giới năm 1950, giải phóng Lạng Sơn, mở đường kết nối cách mạng Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, tạo thêm thế và lực cho lực lượng kháng chiến làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Lạng Sơn phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng "vừa chiến đấu, vừa sản xuất", với khẩu hiệu "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", Lạng Sơn là hậu phương vững chắc huy động sức người, sức của cho tiền tuyến, đồng thời là chiến trường ác liệt chống trả chiến dịch chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, là "Cảng nổi" tiếp nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em chi viện cho tiền tuyến, đóng góp quan trọng cho chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhanh chóng cùng nhân dân cả nước khắc phục hậu quả, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, ổn định đời sống nhân dân. Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía bắc năm 1979, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo quân và dân các dân tộc Lạng Sơn anh dũng, kiên cường trên tuyến đầu bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi thử thách, giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện về các mặt. Từ sau năm 1986, kinh tế của tỉnh liên tục phát triển, nhịp độ tăng trưởng đạt khá cao; GDP bình quân hằng năm đạt hơn 7,5%; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Riêng trong giai đoạn từ 2010 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu của vùng Đông Bắc. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, biến động của tình hình thế giới, tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì được tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,11%. GRDP bình quân đầu người tăng từ 44,34 triệu đồng năm 2020 lên 55,97 triệu đồng năm 2023, (tương đương tăng từ 1.970 USD lên 2.382 USD).

Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông đạt nhiều kết quả rõ rệt. Công tác đối ngoại được thực hiện chủ động và hiệu quả, triển khai đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn và các đoàn thể nhân dân không ngừng được củng cố, góp phần quan trọng vào việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh để bảo vệ vững chắc địa bàn, chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Công tác xây dựng Đảng được coi trọng và đạt được nhiều kết quả. Từ một chi bộ đầu tiên của tỉnh ra đời giữa năm 1933 với năm đảng viên, đến tháng 5/2023, toàn Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn có 15 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; có 678 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; 3.301 tổ chức đảng dưới đảng bộ cơ sở; toàn tỉnh có hơn 68.800 đảng viên. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 17 kỳ đại hội; mỗi kỳ đại hội là mốc lịch sử quan trọng, ghi dấu sự trưởng thành của toàn Đảng bộ tỉnh cả về lý luận và cụ thể hóa một cách sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của tỉnh.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua 90 năm, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn không ngừng lớn mạnh, trưởng thành vững chắc về mọi mặt.

Đồng thời, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; nghiêm túc quán triệt và triển khai các quy định của Trung ương và của Tỉnh ủy về đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua 90 năm, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn không ngừng lớn mạnh, trưởng thành vững chắc về mọi mặt; luôn phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Với truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn tự hào về lịch sử ra đời, đấu tranh, xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh. Quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Ghi nhận những thành tích đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, như: Huân chương Độc lập hạng nhì (năm 1967), Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 1979), Huân chương Sao vàng (năm 1985), Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2002), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2011).

Nhân dịp kỷ niệm 190 năm ngày thành lập, năm 2021, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, đây là niềm vinh dự, là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong chặng đường phát triển tiếp theo.

Với niềm vui, phấn khởi, vinh dự, tự hào về truyền thống vẻ vang 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (15/6/1933-15/6/2023) và sự kiện đồng chí Lương Văn Tri - người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn được Bộ Chính trị công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục nêu cao ý chí, tinh thần cách mạng, tăng cường đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khơi dậy, khai thác và phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng để vững bước tiến lên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lạng Sơn ngày càng văn minh, giàu mạnh, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.