Phát hiện nhiều cổ vật có niên đại hơn 3.000 năm ở Đắk Nông

Từ đầu tháng 5 đến nay, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật di chỉ khảo cổ học tại di tích thôn 12, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp và đã phát hiện một số lượng lớn cổ vật của người tiền sử.
0:00 / 0:00
0:00
Trưng bày di vật được phát hiện tại Di tích thôn 12, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.
Trưng bày di vật được phát hiện tại Di tích thôn 12, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.

Tại nơi khai quật có diện tích 20m2, các nhà khoa học phát hiện, thu được tổ hợp di vật gồm đồ đá và đồ gốm. Trong đó, đồ đá có 85 hiện vật như rìu, mảnh lưỡi dao, bàn mài, mảnh tước, cưa đá…; đồ gốm với 6.300 mảnh.

Gốm tại di chỉ thôn 12 có độ dày trung bình từ 0,5-0,8cm, xương gốm thô mầu đen có tỷ lệ bã thực vật cao, hai mặt miết láng, phần miệng trong ngoài có mầu đen xám kiểu ánh chì...

Theo đánh giá của các chuyên gia khảo cổ học, đây là nơi cư trú, kiếm sống của các cư dân nguyên thủy thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới-Sơ kỳ Kim khí và có niên đại từ cách đây 3.000-3.500 năm.

N.V.Y

Kon Tum xây dựng hơn 1.200 mô hình học tập và làm theo gương Bác Hồ

Trong 1.276 mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo gương Bác Hồ, có 103 mô hình về lãnh đạo, chỉ đạo; 165 mô hình về tuyên truyền; 457 mô hình về phát triển kinh tế; 147 mô hình về văn hóa xã hội; 110 mô hình về thiện nguyện; 60 mô hình trong cộng đồng tôn giáo; 189 mô hình đối với đồng bào dân tộc thiểu số và 45 mô hình khác.

Ngoài xây dựng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiêu biểu, các tập thể, cá nhân còn được giới thiệu tham gia triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý".

Cụ thể, năm 2022, giới thiệu 4 tập thể, 6 cá nhân điển hình tiêu biểu; năm 2023, giới thiệu 5 tập thể, 5 cá nhân điển hình tiêu biểu làm tư liệu tham gia triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý".

P.T

Đắk Lắk công nhận 85 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao

Hội đồng OCOP tỉnh Đắk Lắk vừa chấm điểm đánh giá, phân hạng cho 30 sản phẩm của 5 địa phương gồm: Thành phố Buôn Ma Thuột 12 sản phẩm; Buôn Đôn 6 sản phẩm; Krông Bông 2 sản phẩm; Krông Ana 3 sản phẩm và Ea Kar 7 sản phẩm.

Trên cơ sở này, Hội đồng OCOP tỉnh Đắk Lắk đã chọn 25 sản phẩm để xếp hạng 3 và 4 sao; trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao, gồm: Gạo ST25 Ea Kar của Hợp tác xã nông nghiệp 714 và hạt mắc-ca của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nam Linh DM (huyện Ea Kar); cà-phê bột rang mộc nguyên chất Ea Tu CAFÉ R&A và Ea Tu Café đặc sản của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu; nấm mèo Thành Đồng và nấm linh chi Thành Đồng của Công ty cổ phần thực phẩm xanh Thành Đồng (thành phố Buôn Ma Thuột); gạo Nhật Minh của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (huyện Krông Ana).

Có 18 sản phẩm OCOP đạt 3 sao thuộc về các huyện: Buôn Đôn (6 sản phẩm); Ea Kar (4 sản phẩm); Krông Bông (1 sản phẩm) và thành phố Buôn Ma Thuột (7 sản phẩm).

N.C.L

Lâm Đồng triển khai chương trình hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh

Triển khai nội dung thỏa thuận chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp và nông thôn giữa tỉnh Lâm Đồng với Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa đề xuất 15 chương trình hợp tác giai đoạn 2023-2025.

Cụ thể, như tổ chức xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác giữa ngành nông nghiệp hai địa phương; xây dựng một số cửa hàng sản phẩm OCOP của Lâm Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã của hai địa phương; tham gia các chương trình hội chợ nông sản; mời doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu, chuyển giao công nghệ, giải pháp số tại hội thảo về ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, du lịch nông nghiệp tại Lâm Đồng…

M.V.B