“Năm nào vợ chồng tôi cũng tranh cãi về việc cho con nghỉ hè theo cách thức nào, về quê với ông bà, cho con đi du lịch hay tham gia những khóa học bồi dưỡng kỹ năng... Giữa thông tin về các khóa học kỹ năng sống, trại hè ở nước ngoài, học kỳ tiếng Anh hay các khóa học kỳ quân đội, khóa tu mùa hè, chưa kể những khóa học nâng cao kiến thức để cho con thi vào trường chuyên, lớp chọn, phụ huynh chúng tôi thật sự bối rối, trong khi con em mình lại không hợp tác, chỉ muốn được vui chơi thoải mái”-chị Nguyễn Việt Hà, phụ huynh một học sinh đang học Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) cho biết.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), đồng thời là một chuyên gia tư vấn sức khỏe, tâm lý chia sẻ, đây là những băn khoăn mà bác sĩ thường xuyên nhận được từ các bậc cha mẹ. Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, hiện có hai thái cực:
Một là, những cha mẹ cho rằng, trẻ con cần có tuổi thơ, nên chơi là chính và học không quan trọng; ba tháng hè, họ để con tự do thỏa thích chơi theo ý con muốn. Khi đó, trẻ sẽ tự nuông chiều bản thân mình, suốt ngày xem điện thoại, chơi game, chát chít với bạn bè, thức khuya và ngủ cả ngày.
Sau ba tháng hè, những hoạt động này trở thành thói quen, trẻ trở nên lười biếng và nếu không có ai thúc giục học tập, làm việc, thì việc quay trở lại trường sẽ là “thảm cảnh”. Tôi quan sát và thấy rằng, một đứa trẻ để lãng phí kỳ nghỉ hè ba tháng thì đó là một vết trượt, khi nhiều kỳ nghỉ hè đều lãng phí, thì trẻ rất khó thành công trong tương lai.
Xu hướng thứ hai là những bậc phụ huynh bắt con học quá mức trong mùa hè với thời gian biểu xếp kín lịch học. Trẻ dậy từ 6 giờ và lên giường vào 23 giờ, mọi thứ đều sắp xếp cho việc học tập, giờ nghỉ xen vào rất hiếm hoi. Bác sĩ Phúc cho rằng, học với cường độ như vậy, có thể trẻ sẽ đỗ vào trường chuyên, lớp chọn, nhưng không phải do trẻ thông minh, mà đơn thuần chỉ là học nhiều hơn.
“Tôi cho rằng, trẻ em cần nỗ lực học tập kiến thức suốt chín tháng trong năm học theo cách học mà chơi, ba tháng hè trẻ cần tham gia các hoạt động trải nghiệm để học các kỹ năng xã hội theo cách chơi mà học”-Bác sĩ Trần Văn Phúc chia sẻ.
Để giúp trẻ em phát triển theo hướng toàn diện, ngoài việc học văn hóa, trẻ cần được làm quen với các bộ môn nghệ thuật như đàn, hát, hội họa hoặc các môn thể dục, thể thao. Thông qua các hoạt động đó, trẻ sẽ cân bằng tâm lý, lan tỏa năng lượng tích cực.
Điều các bậc cha mẹ đều nhận thấy rõ là tình trạng khủng hoảng tâm lý với trẻ mọi lứa tuổi đang ngày càng phổ biến. Đặc biệt, sau gần 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì sức khỏe tâm lý trẻ càng gặp nhiều vấn đề, bởi vậy việc tìm kiếm sự cân bằng, giá trị cốt lõi qua những hoạt động hè là hết sức cần thiết với trẻ em.
Hiện, Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng lên tiếng cảnh báo về việc phát hiện một số khóa học kỳ quân đội, khóa tu mùa hè có một số vấn đề về cơ sở vật chất, nội dung chương trình chưa bảo đảm an toàn, bảo đảm quyền riêng tư hay quyền tham gia của trẻ.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em lưu ý, nếu đơn vị tổ chức khóa học hè không có đủ các kiến thức cần thiết, trẻ em có thể gặp rủi ro liên quan đến vấn đề ngộ độc thực phẩm, đuối nước hay tai nạn thương tích, không bảo đảm sức khỏe tham gia các hoạt động, bị vi phạm quyền riêng tư, thậm chí là bị xâm hại.
Vì vậy, để chọn lựa cho con những khóa học ngoại khóa trong dịp hè bổ ích, phụ huynh phải tìm hiểu kỹ nội dung, chất lượng các khóa học, vì kể cả những khóa học đắt tiền thì cũng chưa chắc đã an toàn và đem đến chất lượng như mong muốn.