Hưng Yên phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi giá trị

Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ: cơ khí, điện tử, sản xuất kim loại, năng lượng... phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty TNHH dụng cụ An Mi, khu công nghiệp dệt may Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên sản xuất các sản phẩm cơ khí cung cấp cho công nghiệp trong nước và xuất khẩu.
Công ty TNHH dụng cụ An Mi, khu công nghiệp dệt may Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên sản xuất các sản phẩm cơ khí cung cấp cho công nghiệp trong nước và xuất khẩu.

Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động nguồn lực lớn đầu tư xây dựng sở hạ tầng; quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng 17 khu công nghiệp, với diện tích hơn 4.395 ha; thành lập 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.256 ha. Đồng thời triển khai các chính sách ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp số.

Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 2.122 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký hơn 259 nghìn tỷ đồng và hơn 6 tỷ USD. Trong đó, có hơn 300 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, đã đóng góp quan trọng hình thành nên ngành công nghiệp hỗ trợ đang đà phát triển mạnh ở các lĩnh vực. Trong ngành cơ khí, chế tạo sản xuất chủ yếu các sản phẩm tạo khuôn mẫu, dập, đúc và gia công chính xác, dụng cụ, dao cắt, linh kiện, thiết bị máy động lực, máy nông nghiệp, sản xuất thép chế tạo.

Ngành thiết bị điện, điện tử sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử, vật liệu linh kiện điện tử, chi tiết cơ - điện tử, pin dùng cho máy vi tính xách tay, điện thoại di động. Ngành dệt, may sản xuất các sản phẩm xơ, sợi, vải dệt các loại, chỉ thêu, phụ liệu... Ngành da giày sản xuất các sản phẩm da thuộc, đế giày và hóa chất thuộc da. Ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô sản xuất các sản phẩm động cơ và chi tiết động cơ ô-tô, sản xuất linh kiện phụ tùng ô-tô, khung thân vỏ, cửa xe, dây điện và cụm đèn, linh kiện nhựa, cao-su ô-tô… Nhóm công nghệ cao sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị và sản xuất các loại chi tiết nhựa chất lượng cao…

Hưng Yên phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi giá trị ảnh 1

Khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên tiếp nhận nhiều dự án đầu tư có vốn nước ngoài sản xuất các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Theo Sở Công thương tỉnh Hưng Yên, hoạt động sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Hưng Yên đang phát triển tương đối tốt, đã cung cấp một khối lượng lớn các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp.

Điển hình là các Công ty Kyocera Việt Nam, Công ty Công nghiệp Fancy Việt Nam, Công ty DSM Việt Nam, Công ty Điện tử ANNEX; Công ty Điện tử Canon Việt Nam, Công ty Điện tử MINGHAO Việt Nam; Công ty HOYA GLASS DISK Việt Nam, Công ty Fancy Creation Việt Nam, Công ty vật liệu điện tử Shin-Etsu Việt Nam… sản xuất ra các sản phẩm điện, điện tử theo chuỗi giá trị. Các công ty khuôn đúc Tsukuba Việt Nam, công ty LTK Việt Nam, Công ty Vikom, Công ty Cơ khí P&P, Công ty Hoàng Hạc Phương Bắc, Công ty Konishi Việt Nam, Công ty Palfinger Marine Việt Nam… sản xuất ra các sản phẩm cơ khí, chế tạo…

Công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Hưng Yên phát triển đã thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất thành phẩm khác như sản xuất, lắp ráp ô-tô, thiết bị điện, điện tử, dệt may... tạo môi trường hình thành mối liên kết sản xuất giữa các thành phần kinh tế giữa cơ sở sản xuất trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, liên kết giữa vệ tinh công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp lắp ráp. Đây là một trong những tiền đề quan trọng trong việc tiếp tục tăng cường mối liên kết trong sản xuất giữa các thành phần kinh tế trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH dụng cụ An Mi, khu công nghiệp dệt may Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: ngành cơ khí, chế tạo có tiềm năng phát triển rất lớn, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể sản xuất ra các sản phẩm cung cấp cho chuỗi giá trị toàn cầu, thay thế nhiều sản phẩm nhập khẩu. Do vậy, Công ty TNHH dụng cụ An Mi đã xác định đúng vị trí trong chuỗi giá trị nên đầu tư đúng hướng.

Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động nhà máy sản xuất của Công ty TNHH dụng cụ An Mi, với công nghệ hiện đại đã sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao: dụng cụ cắt mài, máy và thiết bị gia công, khuôn cắt, khuôn uốn, chi tiết chính xác, sản phẩm phủ PVD... mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm, cung cấp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam và một số hãng lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc... và đang phấn đấu trong hai năm tới trở thành doanh nghiệp có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định phê duyệt đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những giải pháp trọng tâm: Trong giai đoạn đến 2025, phấn đấu xây dựng 1 đến 2 khu, cụm công nghiệp hỗ trợ tập trung để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trước mắt tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử; sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Từng bước thu hút đầu tư theo hướng, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cung cấp cho các ngành công nghệ cao, các dự án sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm xuất khẩu, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp. Xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên ngành như: Xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng kết nối giao thông và hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng phát triển cụm liên kết cụm ngành công nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp cơ khí, điện tử, dệt may và da giầy. Đa dạng hóa trong hợp tác, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để cung cấp các linh kiện, sản phẩm phụ trợ.

Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để từng bước tham gia vào chuỗi liên kết theo chiều dọc, tạo ra mối liên kết ngành,qua đó tập hợp các doanh nghiệp có mối liên quan trong quá trình tạo ra giá trị gia tăng từ khâu nguyên liệu, sản xuất... đến phân phối, tiêu thụ, bán hàng tới tay người tiêu dùng. Chủ động tổ chức xúc tiến đầu tư, liên kết, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia.

Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, có trọng điểm đến năm 2025, trực tiếp tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư đến các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước, các doanh nghiệp sản xuất nằm trong danh sách VNR 500 của Việt Nam (top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam), đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... vào đầu tư tại Hưng Yên.

Hưng Yên phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi giá trị ảnh 2

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH thiết bị công nghiệp Toyota Việt Nam, tại khu Công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên.

Tích cực triển khai chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài vào một số ngành công nghiệp liên quan đến công nghiệp hỗ trợ: ô-tô, điện tử, sản xuất máy móc công nghiệp và nông nghiệp, dệt, công nghệ cao ở một số thị trường mục tiêu Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, các nước ASEAN. Hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, đạt trình độ tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu. Ưu tiên các dự án có quy mô lớn của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu và để tiếp nhận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, điều hành tiên tiến.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và nâng cao nhận thức về hiệu quả của các hoạt động liên kết kinh tế, liên kết sản xuất cho doanh nghiệp để từ đó doanh nghiệp có thể chủ động và sẵn sàng tìm kiếm các mối liên kết trong hoạt động…

Phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh Hưng Yên, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước, với mục tiêu: Sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng từ 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại.

Sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng từ 12 triệu - 15 triệu sản phẩm các loại. Đối với vật liệu điện tử, linh kiện nhựa, cao-su, chi tiết cơ - điện tử các loại đạt sản lượng 70-85 nghìn tấn sản phẩm. Sản xuất pin cho máy tính và thiết bị di động đạt 1 - 1,2 triệu Kwh. Sản xuất động cơ và chi tiết động cơ ô-tô đạt 1 triệu - 1,2 triệu sản phẩm các loại; khung, thân, vỏ, cửa xe đạt 7.500 - 8.500 sản phẩm; dây điện, cụm điện các loại đạt 9 triệu - 10 triệu sản phẩm…

Đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.