Việt Nam nỗ lực trong chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm

NDO - Chia sẻ bên lề Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, đại diện các tổ chức quốc tế đều nhất trí Việt Nam đang làm tốt vai trò lãnh đạo của mình trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần giải quyết để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, ít tác động tới môi trường và đem lại lợi ích cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang làm tốt vai trò lãnh đạo của mình trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.
Việt Nam đang làm tốt vai trò lãnh đạo của mình trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.

Việt Nam là nhà sản xuất, xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới

Với nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường năng lực, ứng dụng kỹ thuật số, chuyển giao công nghệ..., Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã và đang đóng góp vào nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Gunther Beger, Giám đốc điều hành UNIDO đánh giá, Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt trong chế biến thực phẩm. Với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, nông sản Việt Nam đi ra thế giới cần đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính. Việt Nam cũng đang thắt chặt các quy định liên quan đến chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đại diện UNIDO cho rằng đây là một hướng đi đúng nhằm thúc đẩy giá trị xuất khẩu cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

“Tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng hướng, chúng ta đều nhìn thấy sự phát triển của Việt Nam, sự thay đổi ngoạn mục từ một quốc gia nhập khẩu trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới với hàng loạt mặt hàng nông sản dẫn đầu về xuất khẩu như gạo, cà phê...”, ông Beger đánh giá.

Tuy nhiên, quá trình phát triển sản xuất nhanh chóng này cũng kéo theo nhiều hệ lụy như suy thoái môi trường gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng bền vững hơn là yêu cầu cấp thiết.

Theo bà Corinna Hawkes, Giám đốc Hệ thống Thực phẩm và An toàn thực phẩm (FAO) khẳng định, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là cơ hội tốt để các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến cũng như cùng hợp tác để xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm.

Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là yêu cầu thực sự cần thiết, vì vậy nếu các quốc gia, đối tác liên kết tốt thì sự thay đổi sẽ ngày càng rõ rệt và hiệu quả hơn.

“Thực sự cần thiết để nhìn nhận những gì chúng ta cần phải làm để sản xuất tốt hơn, thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn, cải thiện môi trường hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn”, bà cho biết và khẳng định hội nghị sẽ là cơ hội để các bên tham gia đạt được các mục tiêu này.

Đại diện FAO đánh giá, hội nghị đã thể hiện vai trò của Việt Nam trong câu chuyện về chuyển đổi hướng tới bền vững. Từ đó, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với thế giới và ở chiều ngược lại, các quốc gia có thể học hỏi lẫn nhau để thực hiện nỗ lực này.

Theo đánh giá của FAO, một trong những thay đổi rõ rệt ở lần tổ chức hội nghị thứ 4 này là ý chí chính trị mạnh mẽ đối với chương trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Tại đây, nếu không có sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia và đối tác liên quan để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, các mục tiêu kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu và dinh dưỡng đặt ra.

Với khẩu hiệu “Cùng nhau chuyển đổi”, đại diện FAO nhấn mạnh mối quan hệ phụ thuộc, tác động qua lại của sản xuất có trách nhiệm và tiêu dùng có trách nhiệm, của cung và cầu. Như vậy, mọi yếu tố liên quan trong mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng đều phải được cân nhắc.

“Chúng ta cần xây dựng một nền sản xuất lương thực thực phẩm mà ở đó người dân hay người tiêu dùng có thể khỏe mạnh hơn. Chúng ta cũng cần chắc chắn rằng người tiêu dùng có thể nhận thức và được thông tin đầy đủ rằng họ là một phần quan trọng của hệ thống lương thực, thực phẩm, quyết định của họ có ảnh hưởng tới hệ thống lương thực thực phẩm”, bà Hawkes cho biết.

Chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh

Qua nhiều dự án triển khai thành công, ông Chris Hogg, Phó chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé đã chia sẻ những bài học, kinh nghiệm giúp Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững.

Theo ông Chris Hogg, để bảo vệ và góp phần phục hồi môi trường, cải thiện sinh kế của người nông dân và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, người tiêu dùng, Nestlé đang hỗ trợ khoảng 600.000 người nông dân trên khắp thế giới, chủ yếu là nông dân ở các trang trại nhỏ chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh.

Trong đó, tại Việt Nam, Nestlé hỗ trợ triển khai thông qua chương trình Nescafé Plan thực hiện từ năm 2011, đã kết nối thành công với 21.000 hộ nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên. Chương trình góp phần nâng cao chất lượng hạt cà phê Việt Nam, giúp nông dân có thu nhập tăng thêm từ 30 - 100%, đồng thời giảm phát thải khí CO2 trên mỗi ký cà phê thu hoạch.

Qua thực tế triển khai ở nhiều nước, ông Chris Hogg cho rằng, thách thức lớn nhất khi áp dụng các phương thức canh tác mới chính là sự tin tưởng của người nông dân, đây là yếu tố quyết định cho sự thành công của việc chuyển đổi. Trong đó, khó nhất là thuyết phục người nông dân thay đổi thói quen canh tác đã có từ nhiều thế hệ. Chẳng hạn như, người nông dân không tin rằng giảm sử dụng phân vô cơ giúp cải thiện chất lượng đất, từ đó tăng sản lượng cây trồng. Chương trình Nescafé Plan ở Việt Nam đã chứng minh được điều này khi giúp người nông dân giảm được 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/thuốc trừ sâu nhưng vẫn bảo đảm được năng suất cây trồng.

"Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả thực sự chứ không chỉ là khẩu hiệu, chúng ta cần đặt người nông dân và người lao động tại các nông trại làm trọng tâm khi thiết kế các chương trình và cần bảo đảm những chương trình này đem lại lợi ích nông dân, cho cộng đồng cũng như hành tinh", ông Chris Hogg nói.

Cũng theo ông Chris Hogg, để thúc đẩy chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái sinh, Nestlé thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy nông nghiệp tái sinh trong chăn nuôi và trồng trọt. Nestlé cam kết đến năm 2030, 50% thành phần chính trong sản phẩm của tập đoàn phải đến từ nguồn nông nghiệp tái sinh.

Trong lĩnh vực cà phê, Nestlé mới đây đã công bố chương trình Nescafé Plan 2030 nhằm hỗ trợ sự chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh, đồng thời góp phần hiện thực hóa cam kết của Nestlé về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (NetZero). Trong đó, Việt Nam là một trong 7 thị trường chính Nestlé đang triển khai Nescafé Plan 2030.