Nghệ An: Huyện miền núi Quỳ Hợp nỗ lực vươn lên

NDO - Xuất phát điểm từ một huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An, song với nỗ lực, tinh thần tự lập tự cường và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Quỳ Hợp đã chung lưng đấu cật, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
"Phố núi" Quỳ Hợp đang vươn mình.
"Phố núi" Quỳ Hợp đang vươn mình.

Ngược Quốc lộ 48 từ thành phố Vinh, sau hơn 2 giờ đi bằng ô-tô chúng tôi có mặt tại Quỳ Hợp. Từ Ngã ba Săng Lẻ lên thị trấn thấy rõ được sầm uất, rõ nét hình hài của phố núi với cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông đường bộ, nhà cửa, các dịch vụ, thương mại... đều được quan tâm, đầu tư.

Vượt khó từng ngày

Nếu như trước đây, Quỳ Hợp nằm vị trí đường cụt, chỉ có độc đạo tuyến quốc lộ 46 thì đến nay toàn huyện đã có 1.272km cùng hệ thống cầu, cống đồng bộ; trong đó quốc lộ có 4 tuyến, tổng chiều dài 132km; 15 tuyến tỉnh, huyện lộ, tổng chiều dài 211km… phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Nhờ đó mà thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển.

Đơn cử như vùng Hạ Sơn, Vân Lợi nằm phía nam của huyện Quỳ Hợp trước đây được mệnh danh là vùng “lam sơn chướng khí, rừng xanh núi đỏ”. Nhưng kể từ khi được đầu tư tuyến đường vượt qua dốc Dài vào Vân Lợi thì cuộc sống của bà con dân tộc Thái, Thổ... đổi thay hoàn toàn.

Nghệ An: Huyện miền núi Quỳ Hợp nỗ lực vươn lên ảnh 1

Các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Tĩnh Sáng Đường được người tiêu dùng đón nhận, tin dùng.

Từ trung tâm huyện, chúng tôi qua cầu Dinh 2 đến xã Châu Đình sang Văn Lợi về thăm xóm Xuân Sơn, nơi có 75 hộ, với hơn 300 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Kinh, Thái, Thổ cùng chung sống. Đời sống của bà con xưa kia nghèo khó vì bị cô lập vì không có đường, không đủ điều kiện để phát triển sản xuất.

Ông Hoàng Ngọc Chương, Bí thư chi bộ, kiêm trưởng Ban công tác mặt trận xóm Xuân Sơn cho biết: Từ ngày được đầu tư xây dựng cầu, khai thông đường, kéo điện về, được trang bị, tiếp cận phương thức làm ăn mới, bà con tập trung trồng mía và các loại cây ăn quả như: cam, quýt, táo...

Từ đây, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện, nâng cao. Kinh tế phát triển, người dân xóm Xuân Sơn chủ động đầu tư nâng cấp nhà cửa, xây tường rào, trồng hoa cây cảnh tạo mỹ quan khu dân cư.

Đường làng, ngõ xóm được bê-tông hóa khang trang, sạch đẹp. Nhờ đó, đạt bình quân thu nhập đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ số hộ nghèo xuống còn 8%.

Cùng với xóm Xuân Lợi, xóm Xuân Sơn được huyện Quỳ Hợp công nhận xóm đạt chuẩn nông thôn mới và xóm Bắc Lợi đang được thẩm định để công nhận nông thôn mới.

Nói về những đổi thay của Vân Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Cao Trung Hoàng cho biết thêm: Nếu năm 2020, Vân Lợi có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,2 triệu/năm thì đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 9%, thu nhập đầu người đã đạt 41 triệu đồng/năm. Vân Lợi trở thành “vựa” mía với diện tích gần 1.000ha cùng 100ha cam, quýt…

Cũng như Vân Lợi, nhờ có hệ thống giao thông phát triển đã giúp nhiều xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa, xã 135 của huyện miền núi còn nhiều khó khăn này đẩy nhanh việc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp Phan Đình Đạt cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được huyện Quỳ Hợp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục và tập trung thực hiện.

Bắt tay xây dựng nông thôn mới đã khó nay xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi khó gấp bội. Tuy nhiên bằng sự quyết tâm cao, được sự đồng lòng của nhân dân cùng với sự hỗ trợ của cấp trên đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã giúp huyện khó này đẩy nhanh quá trình trình xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn huyện có 6 xã và 16 xóm của 14 xã vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2010 đến năm 2022, tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Phát huy lợi thế, tiềm năng là địa phương có nhiều tài nguyên thiên nhiên, như đai đỏ bazan, đá trắng, thiếc... do đó phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được xác định là khâu đột phá, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế-xã hội.

Để hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến Quỳ Hợp, lãnh đạo huyện qua các thời kỳ đều tạo điều kiện và môi trường thuận lợi.

Đến nay, huyện có 6 cụm công nghiệp; 158 xưởng sản xuất, chế biến đá, quặng thiếc phát triển ổn định cùng các doanh nghiệp cơ sở sản xuất lớn trên địa bàn như Nhà máy đường NASU, Công ty TNHH MNS Farm Nghệ An… hằng năm tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Cùng với đó, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, các hoạt động bưu chính, viễn thông phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và du khách khi về với phố núi.

Huyện Quỳ Hợp phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người hơn 70 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “công nghiệp xây dựng, dịch vụ thương mại, nông nghiệp”; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, phục vụ tốt đời sống nhân dân…

Nhận thấy trên địa bàn có nhiều cây dược liệu quý, năm 2022, Hợp tác xã Tĩnh Sáng Đường nằm trên địa bàn xã 135 Yên Hợp được thành lập.

Với mong muốn đưa các sản phẩm có giá trị chất lượng, sạch, an toàn từ các thành phần tự nhiên để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng, hợp tác xã đã cho ra mắt hơn 30 loại sản phẩm, nổi bật như: Trà Cà gai leo túi lọc, bột rau má sấy lạnh, mật ong Tĩnh Sáng Đường…

Phó Giám đốc Hợp tác xã Tĩnh Sáng Đường - Lá Văn Khôi cho biết: Ngoài 8 xã viên, hợp tác xã cũng liên kết, ký cam kết bao tiêu, hỗ trợ giống, kỹ thuật với 30 hộ dân trên địa bàn với diện tích gần 20ha cây dược liệu...

Nghệ An: Huyện miền núi Quỳ Hợp nỗ lực vươn lên ảnh 2

Quỳ Hợp đạt mục tiêu sớm trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Nghệ An.

Trưởng ban Tuyên giáo huyện Quỳ Hợp Trần Văn Tuấn cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về xây dựng các mô hình cây dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, Quỳ Hợp sẽ tập trung nhân rộng thêm nhiều mô hình như hợp tác xã Tĩnh Sáng Đường.

Cùng với đó, với lợi thế đất bazan, huyện Quỳ Hợp đang khuyến khích, tập trung liên kết tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Huyện cũng hình thành các mô hình sản xuất tập trung công nghệ cao, sản xuất hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế.

Phấn đấu đưa huyện Quỳ Hợp từng bước trở thành trung tâm cây ăn quả và là điểm sáng về việc xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu của tỉnh Nghệ An. Đến nay, huyện đã xây dựng được 14 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn “3 sao”.

Xây dựng bản mường Quỳ Hợp giàu đẹp và đậm đà bản sắc dân tộc

Năm 2001, huyện Quỳ Hợp vinh dự được Bộ Văn hóa-Thông tin và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chọn chỉ đạo xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số.

Từ đó, lĩnh vực văn hóa có nhiều khởi sắc, chuyển biến mạnh mẽ; cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa được đầu tư, xây dựng.

Đến nay, huyện đã xây dựng được 14 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn “3 sao”.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động sâu rộng, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.

Đến nay, toàn huyện có 85,5% làng, bản, khối, xóm đạt danh hiệu văn hóa; xây dựng được nhiều xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Các xóm, bản, khối ở Quỳ Hợp đều xây dựng, bổ sung hương ước có chất lượng, đúng pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương, dân tộc.

Nghệ An: Huyện miền núi Quỳ Hợp nỗ lực vươn lên ảnh 3

Tiềm năng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng ở Quỳ Hợp đang từng bước được đánh thức.

Huyện cũng đặc biệt quan tâm việc bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc như đưa dân ca vào trường học, đặc biệt là dân ca Thái và Thổ; duy trì và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ văn hóa dân gian để bảo tồn, trao truyền và phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc như: nhuôn, xuối, lăm, khắp, đu đu điềng điềng, tập tình tập tang; khắc luống, cồng chiêng, nhảy sạp...

Hằng năm, huyện tổ chức các hoạt động Lễ hội văn hóa truyền thống Mường Ham, đền Choọng…

Cùng với các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, công tác phát triển văn hóa du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng được xác định là khâu đột phá, là động lực quan trọng để xây dựng huyện nhà phát triển một cách toàn diện và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Qua đó, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp, Phan Đình Đạt nhấn mạnh.