Mô hình xóa nghèo bền vững ở Quỳ Hợp

Là một trong những huyện miền núi phía tây bắc tỉnh Nghệ An còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quỳ Hợp đã có nhiều giải pháp thực hiện cuộc vận động xóa nghèo hiệu quả, bền vững.

Trang trại nuôi bò, dê của anh Nguyễn Mạnh Hùng ở xã Châu Lộc (Quỳ Hợp) cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Trang trại nuôi bò, dê của anh Nguyễn Mạnh Hùng ở xã Châu Lộc (Quỳ Hợp) cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Xóa nghèo vốn rẻ

Cách đây ba năm, ở huyện miền núi Quỳ Hợp, người dân thường kể câu chuyện lạ về hỗ trợ thoát nghèo với “vốn rẻ” 10 triệu đồng/hộ. Nguyên Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp Hồ Lê Ngọc lý giải: Thực hiện Nghị quyết Ðảng bộ huyện về công tác giảm nghèo, năm 2017, huyện Quỳ Hợp đã thử nghiệm xóa nghèo cho 22 hộ với chỉ 220 triệu đồng hỗ trợ kinh phí mua giống bò sinh sản bản địa. Cùng sự giúp đỡ của cán bộ xã, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, sau một năm, những hộ nghèo này đã thoát được nghèo. Xóa nghèo ở huyện miền núi mà chỉ có 10 triệu đồng thì đúng là chuyện lạ.

Ðầu năm 2020, có dịp ngược lên Quỳ Hợp, chúng tôi được Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Quỳ Hợp Ngân Thị Hồng cho “mục sở thị” mô hình xóa nghèo “giá rẻ” của Quỳ Hợp kiên trì thực hiện trong suốt ba năm qua. Ông Trương Văn Dụ (52 tuổi), người dân tộc Thổ ở xã Thọ Hợp, cho biết: Là lao động chính, 10 năm trước, ông bị tai nạn lao động, mất một chân, không đi làm được; vợ thay chồng trở thành lao động chính, đi làm mỏ đá để lo gạo hằng ngày và lo chuyện học cho hai con, gia đình trở thành hộ nghèo. Năm 2017, ông Dụ được thông tin về chương trình hỗ trợ sinh kế thoát nghèo bền vững của huyện, nếu tham gia, sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng mua bò sinh sản. Từ nguồn tiền hỗ trợ của huyện (10 triệu đồng) cùng với tiền vay mượn, ông đã mua được con bò cái khá đẹp, giá 15 triệu đồng. Với hai sào đất vườn, ông chuyển qua trồng cỏ voi. Ðầu năm 2018, bò mẹ đẻ bò con. Hơn một năm sau, ông bán con bò con được 17 triệu đồng. Giờ đây, con bò mẹ đã đẻ lứa thứ hai với con bê cái gần sáu tháng tuổi có vóc dáng to gần bò mẹ. Ông Dụ khoe: Gia đình tôi cố gắng nhân hai con bò này thành đàn bò để không bao giờ quay lại hộ nghèo nữa.

Chủ tịch MTTQ xã Thọ Hợp Trương Thị Kiều Thu cho biết: Ngoài tiền hỗ trợ của huyện 10 triệu đồng/hộ để xóa nghèo, xã trích một phần quỹ vì người nghèo của địa phương để hỗ trợ thêm, giúp bà con mua được con bò sinh sản vừa to vừa mắn đẻ. Sau đó, địa phương cử cán bộ đến hướng dẫn cách tiêm phòng, tẩy giun, sán, kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản. Cấp ủy, chính quyền còn chỉ đạo các đoàn thể và hệ thống chính trị, bà con hàng xóm hỗ trợ các hộ nghèo vay con giống, kỹ thuật phát triển đàn gà, đàn lợn cũng như trồng cây ăn quả. Hội Nông dân xã Thọ Hợp đã thành lập câu lạc bộ chăn nuôi gà để giúp các hộ nghèo nuôi gà có thêm thu nhập. “Từ năm 2017 đến nay, Thọ Hợp đã có 12 hộ thoát nghèo nhờ mô hình hỗ trợ 10 triệu đồng mua bò sinh sản. Riêng năm 2019, có năm hộ thoát nghèo” - Chủ tịch MTTQ xã Thọ Hợp cho biết thêm.

Năm 2020, đã có 200 hộ nghèo tiếp tục đăng ký tham gia xóa nghèo giá rẻ. Nguồn tiền hỗ trợ mô hình xóa nghèo này được trích ra từ Quỹ hỗ trợ người nghèo mà Quỳ Hợp có được từ các nguồn xã hội hóa hằng năm.

Hiệu quả bền vững

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, với hơn 50% dân số là người dân tộc thiểu số và có hai phần ba số xã đặc biệt khó khăn cho nên công tác xóa đói, giảm nghèo ở Quỳ Hợp luôn được các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm. Quỳ Hợp đã tận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 135 của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, lồng ghép với chương trình xóa nghèo khác của địa phương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng như phát triển nhiều mô hình kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật... nên từ năm 2016 đến 2019 đã góp phần xóa nghèo cho hơn ba nghìn hộ dân. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Quỳ Hợp đã đề ra Nghị quyết về công tác giảm nghèo cùng Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Tuy trình độ dân trí không đồng đều, lại nằm trong vùng ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu, hệ lụy môi trường do khai thác khoáng sản nhưng người dân chịu khó làm ăn, để quyết tâm thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Quỳ Hợp đã tranh thủ nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo, cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Hợp Nguyễn Thanh Hải cho biết: Chỉ tính riêng năm 2019, đã có 3.473 hộ gia đình và người lao động ở Quỳ Hợp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, làm nhà ở... Trong số này, hơn 2.600 hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; hơn 170 người có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi xuất khẩu lao động hay vay vốn học tập; xây dựng 87 nhà ở cho hộ nghèo, 1.466 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn. Nhờ đó, hơn 700 hộ thoát nghèo. Cùng với đó có hơn 150 mô hình kinh tế trang trại, trồng cam, trồng rừng, nuôi bò sinh sản... đạt hiệu quả cao cần nhân rộng.

Quỳ Hợp cũng đã huy động tốt các nguồn xã hội hóa để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo cùng hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng ba năm 2016 đến 2019, Quỳ Hợp vận động hơn 14 tỷ đồng giúp hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đón Tết, xây dựng gần 100 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ 405 hộ nghèo mua bê, nghé, giống cây con phát triển sản xuất để thoát nghèo…

Tuy nhiên, tỷ lệ xóa nghèo hằng năm của Quỳ Hợp vẫn chưa đạt như mong muốn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ngành trong huyện, sự hỗ trợ của T.Ư, đặc biệt là nỗ lực vươn lên của người dân, và sớm xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của một bộ phận bà con dân tộc thiểu số.