Hội thảo “Quan hệ Việt Nam-Pháp: Từ chiến tranh tới hòa bình” là một hoạt động trong khuôn khổ của chuỗi sự kiện “Quan hệ Việt Nam-Pháp: Di sản lịch sử trước những thách thức của thế kỷ 21” được tổ chức tại Montpellier để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm đối tác chiến lược (2013-2023).
Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, nhiều học giả, nhà ngoại giao cùng các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực của hai nước.
Là người tổ chức và dẫn dắt cuộc hội thảo, Giáo sư Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành lịch sử đương đại, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (Pháp), nhấn mạnh, đây là một hoạt động rất có ý nghĩa để đề cao những dấu ấn quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt và giữa hai nước.
Các chuyên gia lịch sử Pháp và Việt Nam đã điểm lại những giai đoạn lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.
Sau khi Hiệp định Gevène được ký kết vào năm 1954, hai nước đã cùng nhau vượt qua nhiều thử thách thăng trầm của lịch sử để hướng tới một mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, tin cậy và gắn bó.
Pháp là nước đã đóng vai trò quan trọng trong đàm phán và ký kết Hiệp định Paris vào tháng 1/1973 về kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngay sau đó vào tháng 4/1973, Pháp và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao.
Sau năm 1975, quan hệ Việt-Pháp được tăng cường trên nhiều mặt, với dấu mốc quan trọng là chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 4/1977.
Vào những năm 1980, khi Việt Nam bị bao vây, cấm vận, Pháp là nước phương Tây duy nhất duy trì quan hệ với Việt Nam thông qua hợp tác khoa học kỹ thuật cũng như giao lưu văn hóa.
Từ năm 1989, Pháp đi đầu trong khai thông quan hệ với Việt Nam, xoá nợ và giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước thành viên Câu lạc bộ Paris. Tháng 2/1993, Tổng thống Pháp François Mitterrand trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam kể từ năm 1975.
Sau đó hai nước không ngừng nỗ lực vun đắp quan hệ hữu nghị và hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Đến nay, Pháp luôn là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Pháp coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu vực cũng như trong các chiến lược, chính sách mà Pháp đã và đang triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng ý chí chung và nỗ lực chung của hai nước trong 50 năm qua đã làm cho quan hệ hữu nghị và hợp tác không ngừng phát triển, ngày càng sâu sắc hơn và đa dạng hơn để dẫn tới việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, 50 năm là một chặng đường với bề dày lịch sử trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp. Tiềm năng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Pháp còn rất lớn, đòi hỏi hai nước cần phải có những chính sách, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của toàn bộ các bộ máy hợp tác từ trung ương, đến địa phương, các hội đoàn hay cá nhân.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Các hội thảo bàn tròn trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới sẽ là một cơ hội tốt để chúng ta có những ý tưởng mới, những hành động mới nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ gắn bó Việt Nam-Pháp.
Năm 2023 là một dấu mốc đặc biệt trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và là dịp để đánh giá những thách thức và những lĩnh vực cần tăng cường hợp tác.
Giáo sư Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành Lịch sử đương đại, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (Pháp). |
Giáo sư Pierre Journoud nhận định: Về mặt kinh tế, chúng ta còn rất nhiều tiềm năng, cần phải khuyến khích hơn nữa các doanh nhân, các startup đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam thí dụ như hàng may mặc vào thị trường Pháp.
Việt Nam và Pháp có thể làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược bằng cách thiết lập ra các nhóm công tác làm việc với nhau về các chủ đề khác nhau để chúng ta có những đề xuất hữu ích cho chính phủ hai bên.
Theo Giáo sư Pierre Journoud, Việt Nam và Pháp đã trải qua một chặng đường dài gắn kết nhưng vẫn còn cả một đoạn đường dài phía trước để củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược.
Cùng ngày, chính quyền thành phố Montpellier phối hợp Trường Paul Valery Montpellier 3 và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức triển lãm về biển đảo Việt Nam.
Phát biểu tại triển lãm, bà Clare Hart, Phó Chủ tịch cụm đô thị Montpellier đánh giá cao quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa thành phố với các địa phương Việt Nam nói riêng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và giáo dục.
Từ cuối năm 2022, nhiều sự kiện đã được tổ chức tại các địa phương của Pháp để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược giữa hai nước.
Các hoạt động diễn ra dưới nhiều hình thức và rất phong phú để điểm lại chặng đường hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua đồng thời xem xét những triển vọng trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, cũng như là đời sống của cộng đồng Việt Nam tại Pháp.
Sự thành công của các hoạt động trong thời gian vừa qua thể hiện sự nhiệt thành, tình cảm sâu sắc của các đối tác Pháp dành cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng như nguyện vọng thúc đẩy mối quan hệ song phương sang giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc.
Triển lãm Biển đảo Việt Nam do chính quyền thành phố Montpellier phối hợp với Trường Paul Valery Montpellier 3 và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức. |