Kinh nghiệm quốc tế và bài học thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng

NDO - Ngày 17/3, Ban Nội chính Trung ương phối hợp Dự án Pháp luật và Tư pháp (JICA) Nhật Bản tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam trong việc tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Kono Ryuzo, Cố vấn trưởng Dự án Pháp luật và Tư pháp đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, Ban Nội chính Trung ương được giao giúp Bộ Chính trị chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng là cần thiết.

Hội thảo là cơ hội tốt để các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thiết thực giúp cho Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thêm thông tin, tài liệu để nghiên cứu, tham khảo phục vụ công tác tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và nước ngoài tập trung trao đổi, phân tích kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Vương quốc Anh, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…; qua đó, so sánh với tình hình thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam và rút ra những bài học nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của nước ta trong lĩnh vực này.

Các đại biểu cũng đã có những đề xuất, kiến nghị thẳng thắn và tâm huyết.

Cụ thể, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì cần phải hội đủ những yếu tố cần thiết, bao gồm: Hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải chặt chẽ, rõ ràng và đồng bộ; chủ thuyết nhất quán, không nửa vời với quyết tâm chính trị cao từ cấp cao nhất của thể chế chính trị; đội ngũ cán bộ, công chức thanh liêm, đạo đức công vụ chuyên nghiệp; tổ chức bộ máy, con người có đủ thẩm quyền để xử lý tham nhũng một cách vô tư, khách quan.

Cần nghiên cứu toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên và cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng hiện có để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm các cơ quan, đơn vị này thật sự tinh gọn, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, rành mạch, có đủ nguồn lực và quyền hạn mạnh mẽ, chế độ đãi ngộ tốt, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao.

Tăng cường sự chỉ đạo tập trung, thống nhất theo chiều dọc từ Trung ương, giảm bớt đầu mối trung gian và giảm bớt sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng cấp ở địa phương.

Tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt (về chủ thể, khách thể, mức độ nguy hiểm, tính chất phức tạp…) cho nên cần có cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng, bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị này có đủ quyền hạn và nguồn lực cần thiết để hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao.

Các cơ quan chuyên trách cần được độc lập nhiều hơn. Khi phát hiện trường hợp nghi vấn về tham nhũng, các cơ quan này có quyền chủ động kiểm tra, thanh tra, điều tra… để phát hiện, xử lý mà không cần xin ý kiến của tổ chức, cá nhân nào. Đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng cần được tuyển chọn chặt chẽ, đào tạo chuyên nghiệp, được đãi ngộ xứng đáng, có năng lực tốt và hoàn toàn liêm chính…

Một một số đại biểu nêu ý kiến gợi mở những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, luận giải thấu đáo. Đó là: Tại sao có những nước, pháp luật phòng, chống tham nhũng chưa hẳn là nghiêm khắc nhất, nhưng rất ít tham nhũng, ngược lại, có những nước, pháp luật về phòng, chống tham nhũng hết sức nghiêm khắc, nhưng tham nhũng vẫn luôn là một thách thức lớn? Phải chăng những nước có ít tham nhũng có hệ thống cơ chế, pháp luật “không thể tham nhũng”; ý thức chống tham nhũng của người dân nói chung và đội ngũ công chức nói riêng đã “ngấm vào máu thịt”, trở thành nét văn hóa và lòng tự trọng? Những nước có hệ thống pháp luật nghiêm nhưng kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa được như mong muốn là do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm…