Chia sẻ tư liệu, ký ức về di sản

Những ngày này, đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), công chúng sẽ được tham quan Triển lãm thú vị “Cầu Long Biên-Chứng nhân lịch sử”. Đây là triển lãm lần đầu tiên được Trung tâm thực hiện thông qua kêu gọi đóng góp tư liệu từ cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan Triển lãm “Cầu Long Biên-Chứng nhân lịch sử”. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Khách tham quan Triển lãm “Cầu Long Biên-Chứng nhân lịch sử”. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Nhờ đó, những ký ức về cây cầu lịch sử đã có cơ hội hiển hiện đầy sống động trong không gian trưng bày với những bức ảnh, tranh vẽ, mô hình, câu chuyện được chia sẻ bởi các cá nhân, họa sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia…, tạo sự lan tỏa, sức hấp dẫn thu hút đông đảo công chúng. Sự thành công từ triển lãm là một trong những minh chứng khẳng định hiệu quả từ việc phát huy giá trị di sản thông qua huy động sự chia sẻ ký ức, kỷ vật, tư liệu của cộng đồng.

Trên thực tế, bên cạnh khối tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các bảo tàng, lưu trữ quốc gia, hiện còn rất nhiều tài liệu, tư liệu đang nằm rải rác ở các gia đình, dòng họ, trong bộ sưu tập của các cá nhân, tổ chức cũng như trong ký ức của các nhân chứng lịch sử. Nếu có thể tập hợp, xâu chuỗi những nguồn tư liệu, tài liệu này trong mối quan hệ chặt chẽ về thời gian, không gian, sẽ có thể phác họa bức tranh lịch sử về đời sống, xã hội một cách toàn diện, đầy đủ nhất, từ đó giúp phát huy tốt nhất giá trị của các di sản.

Có những bức thư, tờ báo, tấm ảnh, cuốn sổ tay… thuộc sở hữu của các cá nhân, gia đình không chỉ là bằng chứng về những mốc son, dấu ấn trong cuộc đời họ, mà còn góp phần phản ánh một thời kỳ thuộc về lịch sử đất nước, dân tộc.

Có những bức thư, tờ báo, tấm ảnh, cuốn sổ tay… thuộc sở hữu của các cá nhân, gia đình không chỉ là bằng chứng về những mốc son, dấu ấn trong cuộc đời họ, mà còn góp phần phản ánh một thời kỳ thuộc về lịch sử đất nước, dân tộc.

Tuy nhiên, nhiều người còn chưa hiểu hết hoặc xem nhẹ giá trị của những tư liệu đang nắm giữ, dẫn đến không bảo vệ, thậm chí dễ dàng vứt bỏ, vô tình khiến nhiều tư liệu quý bị hư hại, mất mát một cách đáng tiếc.

Vì thế, làm thế nào để nâng cao ý thức trân trọng di sản của cộng đồng, khuyến khích cộng đồng chia sẻ tư liệu, ký ức của mình là vấn đề cần chú ý để di sản được phát huy giá trị hiệu quả vì lợi ích chung của toàn xã hội. Đây là nhu cầu, cũng là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ.

Trao đổi tại Tọa đàm “Chia sẻ ký ức-Phát huy di sản”, các chuyên gia đều nhận định chia sẻ ký ức, tư liệu chính là con đường bảo tồn di sản bền vững nhất, cũng là cách tạo cơ hội cho di sản hội tụ và phát huy giá trị tốt nhất. Với thế hệ trẻ, chia sẻ ký ức, tư liệu còn góp phần giáo dục tình yêu di sản, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, việc các bảo tàng, trung tâm lưu trữ thường xuyên tổ chức những triển lãm, trưng bày chuyên đề kêu gọi sự đóng góp tài liệu từ người dân qua các kênh khác nhau chính là hình thức kiểm kê các di sản văn hóa trong cộng đồng. Muốn khuyến khích họ chia sẻ, bản thân những người làm công tác bảo tàng, lưu trữ phải liên kết để tìm ra những chủ đề đủ sức hấp dẫn, đang được xã hội đương đại quan tâm. Và điều quan trọng là biết lắng nghe, tôn trọng những câu chuyện gắn liền di sản mà cộng đồng chia sẻ, từ đó đáp ứng nhu cầu hay tháo gỡ những khó khăn liên quan.

Nhiều biện pháp đã được những người trong ngành gợi ý như: có hình thức tôn vinh, tri ân những người chia sẻ di sản; hoặc bảo đảm quyền lợi cho người chia sẻ di sản bằng cách bảo tàng, trung tâm lưu trữ sẽ hỗ trợ trùng tu, phục chế, bảo quản, trưng bày di sản.

Các chuyên gia cũng lưu ý không nên đánh đồng giữa khái niệm “chia sẻ” với “hiến tặng”. Trong thời đại 4.0, chia sẻ di sản không có nghĩa là cộng đồng phải quyên góp, hiến tặng lại cho bảo tàng, trung tâm mà có nhiều hình thức để chia sẻ như chụp ảnh, scan, bảo quản số… Nếu các cá nhân, gia đình có đủ điều kiện bảo quản di sản, thì các tư liệu, di sản vẫn nên được họ lưu giữ để bảo đảm sự trao truyền ký ức cho thế hệ mai sau.

Được biết, nhằm hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, những quy định liên quan di sản tư liệu sẽ được bổ sung trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); những quy định về tài liệu lưu trữ tư cũng sẽ được bổ sung trong Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là những tín hiệu vui hứa hẹn sự phối hợp khai thác, sử dụng hiệu quả nhất đối với các di sản, tài liệu lưu trữ trên cả nước.